Từ truyện cổ tích Tấm Cám, anh (chị) có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay

Từ thuở lọt lòng, ai trong số chúng ta cũng đều lớn lên nhờ dòng sữa ngọt ngào, nhờ vòng tay ấm áp và nhờ những câu chuyện cổ tích. Nhắc đến truyện cổ tích, ta không thể không kể đến Tấm Cám - một câu chuyện mà qua đó, tác giả dân gian đã gửi gắm những ước mơ, lí tưởng về một xã hội công bằng, dân chủ trong đó người lương thiện được hưởng cuộc sống hạnh phúc vẹn toàn. Truyện khiến ta không thể không suy nghĩ về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và người xấu trong xã hội xưa và nay.

Như chúng ta đã biết, truyện Tấm Cám xoay quanh bốn nhân vật chính. Tấm là một cô gái chịu thương chịu khó, lương thiện - hiện thân của nhân dân lao động. Mẹ con nhà Cám là hiện thân của giai cấp thống trị độc ác, tham lam và tàn nhẫn, ông Bụt là nhân vật gửi gấm những ước mơ, khát vọng về công bằng, hạnh phúc của nhân dân ta. Tác giả dân gian tuy không trực tiếp bộc lộ thái độ, cảm nghĩ của mình nhưng qua những tình tiết, những sự việc xoay quanh bốn nhân vật trên cũng đủ cho người đọc thấy cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và người xấu trong xã hội diễn ra quyết liệt đến nhường nào.

Tấm đi mò cua bắt tép, nhờ chịu thương chịu khó mà bắt được đầy giỏ nhưng bị Cám lừa, Tấm bị mất hết chỗ tép mò được. Tấm khóc, ông Bụt hiện lên và cho Tấm biết trong giỏ vẫn còn một con cá bống. Qua chi tiết này, ta có thể thấy người dân lao động ngày xưa - những con người tháp cổ bé họng không thể làm gì trước sự lừa gạt của bọn quan lại thống trị. Cái thiện trong truyện Tấm Cám vẫn còn chút hi vọng nhỏ nhoi. Nhưng đời là thế, cái ác vẫn lấn tới, mẹ con nhà Cám đã lừa giết bằng được con cá bống, dập tắt tia hi vọng cuối cùng bé nhỏ, mong manh của Tấm.

Cục máu cá nổi lên trong giếng chính là nỗi uất ức của những con người đại diện cho cái thiện trước thế lực của cái ác. Tấm nghe lời ông Bụt chôn xương cá xuống chân giường, ấp ủ hi vọng mới. Trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, dẫu cái ác có tàn bạo đến mấy nhưng cuộc sống vẫn tạo cho cái thiện những hi vọng mới. Tấm đi xem hội, được lấy vua, tưởng cuộc sống đã được ấm no viên mãn nhưng mẹ con bà dì ghẻ độc ác vẫn tìm mọi cách để hãm hại nàng hết lần này tới lần khác. Cô Tấm của chúng ta thật đáng thương. Cô không biết phải làm gì, thế lực của cái ác quá mạnh. Những người dân lao động như cô đâu có sức để vùng dậy đấu tranh, lại càng không có cơ hội để trốn thoát. Cô Tấm chỉ biết cậy nhờ ông Bụt cũng như người dân lao động xưa chỉ biết gửi niềm tin vào một thế lực phi thường không có thực, một thế lực có đủ sức mạnh để đứng lên bảo vệ và đòi lại công bằng cho những người bị áp bức. Dẫu vậy, Tấm vẫn tìm lại được hạnh phúc qua miếng trầu têm khéo léo. Mẹ con Cám làm điều xấu nên đã phải nhận kết cục bi thảm.

Trong xã hội từ xưa đến nay vẫn luôn tồn tại cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Qua truyện Tấm Cám người đọc thấy được cuộc đấu tranh đó diễn ra liên tục, quyết liệt đến mức nào. Trong bôì cảnh xã hội phong kiến xưa nhiều bất công, nhiều hủ tục lạc hậu, số phận con người cũng phải chịu nhiều thiệt thòi, bi kịch. Cuộc đấu tranh giữa người tốt và kẻ xấu, giữa cái thiện và cái ác chủ yếu diễn ra ở mức độ nhỏ và trớ trêu thay, cái thiện thường phải chịu thất bại trước sức mạnh và sự lấn tới của cái ác. Qua truyện Tấm Cám, nhân dân lao động gửi gắm ước mơ, lí tưởng của mình trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ đó: dẫu cái thiện có yếu đuối, có chịu nhiều đau thương nhưng cuối cùng thiện vẫn luôn thắng ác; người tốt dù có bị đày đọa đến đâu thì rồi cũng tìm được hạnh phúc; những kẻ độc ác dù mưu mô xảo quyệt nhưng cuối cùng vẫn thua theo quy luật “gieo gió gặt bão”.

Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều thay đổi song cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác vẫn rất quyết liệt, cái ác tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi nhưng chưa bao giờ con người thôi tin tưởng rằng nhất định cái thiện sẽ thắng cái ác.

Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác diễn ra trong mỗi con người, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Từ góc độ cá nhân, mỗi người cần có ý thức làm chủ hành động và suy nghĩ của mình, không làm điều xấu, có hại cho người khác và cho xã hội. Hơn thế nữa, chúng ta hãy cùng chung tay xây dựng một hệ thống pháp luật công minh và đủ mạnh để thẳng tay trừng trị bất cứ cá nhân, tổ chức nào có mưu đồ và hành động tàn ác, trái với đạo đức và pháp luật.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết:

Dẫu phải bao cay đắng dập vùi

Rằng cô Tấm vẫn về làm hoàng hậu

Cây khế chua có đại bàng đến đậu

Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta.

Dù hiện thực từ xưa đến nay cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác luôn diễn ra gay go, quyết liệt nhưng dẫu cái ác có mạnh đến đâu thì cuối cùng cái thiện vẫn chiến thắng. Nếu mỗi người sống tốt, có niềm tin vào chân lí, lẽ phải, không bao giờ lấy oán trả ơn thì hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với ta.

BÀI CÙNG NHÓM