Sử dụng kết cấu đối đáp quen thuộc của ca dao, dân ca, bài thơ Việt Bắc đưa người đọc vào một thế giới trữ tình với những tiếng mình, tiếng ta tha thiết, ngọt ngào. Sử dụng đại từ nhân xưng mình và ta như là hiện thân của chủ thể trữ tình để giãi bày cảm xúc với nhiều sắc thái, chuyển hoá đa dạng, Tố Hữu đã sáng tạo nên những hình tượng thơ ca đặc sắc.
Trong cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người cán bộ cách mạng và Việt Bắc, tình nghĩa sâu nặng, những hoài niệm, ước vọng, đồng vọng, tin tưởng được bộc lộ trong lời tâm tình giữa mình và ta. Mình với ta có lúc là hai mà có khi lại hoà làm một. Từ mình trong tiếng Việt có thể dùng để chỉ nhân xưng ngôi thứ nhất, tức là chỉ bản thân người nói; nhưng cũng có thể được dùng để chỉ nhân xưng ngôi thứ hai, ở trường hợp này, từ mình chỉ người bạn đời, người vợ hoặc chồng với sắc thái biểu cảm gần gũi, đầy trìu mến. Từ mình trong Việt Bắc chủ yếu được dùng theo nghĩa thứ hai. Trong lời đối đáp, có khi mình là người đi - người cán bộ cách mạng (Minh về mình có nhớ ta; Minh về có nhớ chiến khu,..), song cũng có khi chỉ người ở lại, là người Việt Bắc (Ta về, mình có nhớ ta). Và thật đặc biệt là mình ở nhiều trường hợp vừa là kẻ ở vừa là người đi: Minh về mình có nhớ không; Minh đi, mình có nhớ mình; Minh đi, mình lại nhớ mình. Chủ thể và đối tượng như thế không còn khoảng cách nữa mà chuyển hóa, hoà nhập vào nhau tạo nên sự đa nghĩa, gợi ra nhiều chiều cảm xúc.
Có thể thấy trong Việt Bắc, tác giả phân thân và hoá thân vào ta để giãi bày mình, và ngược lại. Từ ta được dùng để chỉ ngôi thứ nhất: có khi là chỉ người ở lại (Mình về mình có nhớ ta), có khi lại chỉ người đi (Ta đi ta nhớ những ngày; Ta về, mình có nhớ ta,...). Cũng có khi từ ta dùng để chỉ chung chung ta: Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh; Rừng cầy núi đá ta cùng đánh Tây; Lòng ta ơn Bác đời đời,...
Như vậy, ta là mình và mình cũng là ta, ta - mình hoán đổi, khi phân khi hợp, quấn quýt không rời. Đó cũng là mối ân tình bền chặt mà tác giả bài thơ Việt Bác muốn gửi gắm