Trần Đình Hượu (1926 - 1995) quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh. Sau khi tốt nghiệp hệ dự bị Đại học kháng chiến, ông dạy học ở trường Huỳnh Thúc Kháng (ở Nghệ An). Từ năm 1959 đến năm 1963, ông tu nghiệp tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp. Từ năm 1963 đến năm 1993, ông dạy học tại Khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phó Giáo sư Trần Đình Hượu được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1985, được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000.
Ông là chuyên gia nghiên cứu triết học, lịch sử tư tưởng và văn học Việt Nam trung cận đại. Tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930 (chủ biên, 1988), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Đến hiện đại từ truyền thống (1996),...
Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (Nhan đề do người biên soạn đặt) được trích từ phần II bài tiểu luận về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc, in trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống. Bài tiểu luận có ba nội dung lớn: phần I trình bày khái niệm chung về văn hóa và đặc sắc văn hóa dân tộc; phần II trình bày một số nhận xét về vài ba mặt của cái vốn văn hóa dân tộc Việt Nam; phần III trình bày việc xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa từ cái vốn của văn hóa truyền thống.
Trong đoạn trích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc, Trần Đình Hượu đã thoát khỏi thái độ ca ngợi, hoặc chê bai đơn thuần thường thấy đối với những đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam. Tinh thần chung của bài viết là tiến hành một sự phân tích, đánh giá khoa học đối với những vấn đề nêu ra. Tác giả đã sử dụng giọng văn điềm tĩnh, khách quan để trình bày các luận điểm của mình. Người đọc chỉ có thể nhận ra được nguồn cảm hứng thật sự của tác giả nếu hiểu cái đích xa mà ông hướng đến: góp phần xây dựng một chiến lược phát triển mới cho đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển dựa trên nguyên tắc đến hiện đại từ truyền thống.