Người ta từng gọi tên của một quốc gia bằng một loài hoa, dù loài hoa đó không là tài sản riêng của đất nước ấy mà hiện diện ở hầu khắp thế giới. Hoa mai ở Việt Nam thì không như thế, dù cái tầm của mai thì dư sức đạt đến điều đó.
Bugari là đất nước hoa hồng. Hà Lan là xứ sở của hoa tuylip, cũng như hoa anh đào được coi là biểu tượng của xứ Phù Tang. Cũng là hoa, là lá, là cỏ cây như bao loài thảo mộc khác, nhưng những loài hoa ấy mang trên mình sứ mệnh của một đât nước, chuyển tải cái hồn của cả dân tộc. Người Nhật từng tôn sùng hoa anh đào là kuni no hana (quốc hoa) cũng với ý nghĩa ấy. Hoa mai ở Việt Nam thì không như thế, dù cái tầm của mai thì dư sức đạt đến điều đó. Ấy là tôi "nghĩ hộ" cho hoa mai vậy, chứ bản thân hoa mai chắc cũng đã hài lòng với "tước hiệu": sứ mệnh của mùa xuân, loài hoa cao quý, kẻ song hành với các nhà thơ... mà bao thế hệ con Rồng, cháu Tiên dành tặng cho mai.
Cũng như hoa đào ngoài Bắc, hoa mai đến với dân Việt Nam mỗi năm chỉ một lần vào dịp xuân về, nhưng sức sông của mai trong lòng người thì không chỉ giới hạn trong vài ba ngày Tết mà trở nên trường cửu. Người ta ngóng trông mai suốt cả năm ròng nên khi cái Tết qua đi, hầu như không ai muốn rời bỏ hoa mai ngay lập tức mà còn cố vương vấn, níu kéo mai ỏ lại với họ thêm đôi ba bữa nữa. Tôi cũng vậy.
Mà đâu chỉ một mình tôi có lòng với mai. Thử ngẫm mà xem có loài hoa nào được văn chương nước Việt nhắc đến nhiều như hoa mai. Mai đi vào "thơ thiền" của sư Không Lộ thời Lý, có mặt trong "thơ thần" của Nguyễn Trãi thời Lê. Hình ảnh của hoa mai cũng được thi hào nguyễn du mượn đề tả về nét đẹp quý phái, đoan trang của chị em Thúy Kiều: "Mai cốt cách, tuyết tinh thần. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười". Tản Đà thì dùng hình ảnh "xương mai một nắm hao gầy" để nói lên nỗi niềm của mình trong lời thề non nước. Ngay như Nguyễn Đình Chiểu, khi đôi mắt của ông không còn nhìn được sắc vàng rực rỡ cưa mai, thì hình ảnh về loài hoa xuân ông từng yêu quý vẫn được ông ghi lại trong kí ức và được vẽ ra bằng một nét bút tài hoa: "Hữu tình thay ngọn gió đông. Cành mai nở nhụy, lá tòng rco vang". Và khi muốn nói về cuộc hội ngộ đầy chất thi vị, tao nhã giữa đôi trai tài gái sắc Vân tiên - Nguyệt Nga, Nguyễn Đình Chiểu lại mượn hình ảnh của mai để so sánh: "Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai". Rồi Thanh Hải, Chế Lan Viên, Lê Văn Thảo... những văn, thi sĩ thời đánh Mĩ, giữa những đau thương, khốc liệt của chiến tranh vẫn có những vần thơ, những áng văn đằm thắm, trữ tình viết về hoa mai. Chừng đó thôi cũng nói lên cái địa vị cao quý của hoa mai trong lòng thi nhân Việt Nam.
Song cái kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi đứng dưới chân lâu đài Osaka vào ngày 6/3/1998 trong một rừng mai muốn hồng nghìn tía. Hôm ấy, cô Junko Kusaka, một người bạn Nhật, biết tôi thích mai nên rủ tôi đến chân thành Osaka để ngắm hoa. Tôi hào hứng theo chân cô, những tưởng sẽ được ngắm một rừng hoa mai vàng rực như ở chốn quê nhà sau một cái Tết vắng bóng mai vàng. Tôi hồi hộp bao nhiêu khi thây hai chữ Mai lâm (Rừng mai) ở lối vào vườn mai, thì càng thất vọng bấy nhiêu khi trước mắt là một rừng đầy mai đỏ và mai trắng mà không một bóng mai vàng. Hóa ra cái tôi thèm muốn, cái tôi nhớ nhung và cái tôi tản mạn nãy giờ là hoàng mai, là mai vàng xứ Huế chứ không phải một thứ mai nào khác.
Ừ nhỉ! Họ hàng mai vốn có nhiều loại, nhưng ta chỉ nặng lòng với chỉ mình ngươi. Mai vàng ơi!