"Chẳng phải liu điu cũng giống nhà..."
Nhắc đến bài thơ "Rắn đầu biếng học" chắc hẳn ai cũng nhớ ngay đến Lê Quý Đôn - nhà bác học tài danh nổi tiếng thông minh, lém lỉnh từ nhỏ. Không chỉ vậy, Lê Quý Đôn còn có trí nhớ rất phi thường.
Thuở hàn vi, có lần Lê Quý Đôn không mang đủ tiền trả cho nhà hàng mà ông ăn nghỉ trên đường đi. ông phải ghi vào sổ nợ của người ta. Nhân vì tò mò, Lê Quý Đôn liếc qua họ tên và những khoản nợ của những khách ăn chịu chưa trả tiền.
Ít lâu sau, có việc đi qua đường ấy, Lê Quý Đôn ghé lại nhà hàng cũ để nghỉ chân và trả tiền thì thấy quán hàng cũ đã cháy trụi. Bấy giờ chủ quán đang ngồi trong túp lều mới dựng tạm bên cạnh, trông thấy Lê Quý Đôn liền mếu máo nói: "Cậu ơi! Nhà cửa cháy sạch rồi. Cả quyển sổ nợ cậu xem mấy hôm trước cũng không còn nữa, bây giờ tôi biết căn cứ vào đâu mà đòi nợ?". Lê Quý Đôn mỉm cười bảo chủ quán lấy giấy bút ra. Trước đôi mắt kinh ngạc của vị chủ quán, ông ghi lại đầy đủ, không sót một ai, tên họ của những người ăn chịu cùng các khoản tiền nợ. Nhờ thế, chủ quán cứ theo danh sách mà thu đủ số tiền nợ.
Không lâu sau đó, Lê Quý Đôn đỗ Bảng nhãn. Ông cùng một số tân khoa khác được một người tên là Lê Hữu Kiều mời về chơi nhà mình. Đầu làng có một cái cầu đá đẹp nổi tiếng, cạnh cầu có tấm bia khắc bài thơ thất ngôn bát cú. Đi qua cầu, ai cũng có ý đi chầm chậm để kịp nhìn bài thơ trên bia đá. Chủ nhà thấy vậy chỉ tủm tỉm cười. Đến khi vào nhà, trong bữa tiệc vui vẻ, Lê Hữu Kiều nói về chiếc cầu đá và hỏi các chàng tân khoa xem có ai nhớ được bài thơ trên tấm bia không. Cũng có vài người nhớ được nhưng cũng chỉ nhớ lõm bõm được một hai câu đầu và câu kết. Riêng chàng bảng nhãn Lê Quý Đôn thì đọc lại đầy đủ cả bài thơ không sót một chữ nào. Cả bàn tiệc từ chủ đến khách ai cũng phải thán phục cái trí nhớ hết sức kì diệu của Lê Quý Đôn.
Sau đó, vị chủ nhà hóm hỉnh đã quyết định gả con gái cho chàng bảng nhãn họ Lê. Bấy giờ mọi người mới vỡ lẽ, thì ra đây không phải là trò đánh đố chữ thông thường, mà chính là một cách thử tài để kén rể của ông.
Có lần được hỏi về trí nhớ siêu phàm của mình, Lê Quý Đôn đã mang ra rất nhiều những chiếc túi mà ông gọi là "túi gấm". Trong túi gấm chứa những tờ giấy ông ghi chép về mọi điều xung quanh. Mỗi túi là một vấn đề, một đối tượng... Trong quá trình sàng lọc thông tin để ghi chép lại, ông đã nhớ được mọi điều. Khi quên hay cần đến thông tin chính xác, ông lại giở túi gấm ra. Việc ghi chép, phân loại túi gấm đã giúp Lê Quý Đôn rèn luyện cách ghi nhớ rất nhanh sự việc.
Như thế, trí nhớ kì diệu của Lê Quý Đôn không phải tự nhiên mà có. Phần lớn là nhờ ông thường xuyên trau dồi rèn luyện. Vậy mới biết, thiên tài đến chín mươi chín phần trăm là do khổ công mà thành.