Chú Thắng là em trai của bố tôi. Chú là người tôi luôn yêu quý và kính phục.
Tôi thích nhất là được về quê thăm gia đình chú ở Tuyên Quang mặc dù tôi say khổ say sở mỗi khi đi xe khách. Bởi tôi thích được chạy nhảy nô đùa trong khu vườn rộng và thoáng mát của chú.
Là một người rất yêu cây cối nên chú dành hẳn một khoảng đất và trồng thành một khu vườn nhỏ (nói là nhỏ chứ thực ra nó rộng đến 300m2). Ở giữa chú xây một hòn non bộ. Trong đó chú thả bao nhiêu là cá: một đôi cá vàng xinh xắn, một đôi cá thần tiên điệu đà, lại thêm một bày cá bảy màu đủ các thế hệ ông bà, cháu chắt.... Chung quanh có đủ thứ cây: cây cảnh trồng trong bồn lớn như vạn tuế, sứ, mai, quỳnh. Các cây ăn quả bao gồm đu đủ, nhót, chuối, mít, khế, roi và hồng xiêm... Ở trước cửa nhà chú còn trồng bao nhiêu là hoa. Nào hoa hồng, hoa loa kèn, hoa cúc, lại cả một khóm hoa tigôn nữa chứ. Chú bảo thím rất yêu hoa, phải trồng thật nhiều hoa để cho thím ngắm.
Căn nhà chú tôi đang ở cũng thật khác lạ với những gian nhà tập thể hay những ngôi nhà ống ở thành phố. Đó là một ngôi nhà trông như nhà sàn của người dân tộc. Trước cái cổng sắt to là hai cây đại lớn. Ngay sau đó là một nếp nhà ba gian lợp cọ khô rất đẹp. Trong nhà mọi thứ đều bằng gỗ và tre cả. Nhìn cách sống là biết chú rất thích gần gũi với thiên nhiên.
Không chỉ yêu thiên nhiên và cây cối, chú còn một sở thích nữa là câu cá. Hồi tôi ở đây thường thấy chú cùng người bạn thân - chủ Quang cá - ra hồ ngồi câu. Chú có thể quên ăn mà ngồi câu từ sáng đến chiều, nếu thím tôi không ra gọi chắc chú cũng chưa chịu về. Những chiếc cần câu đủ kiểu loại, kích cỡ được chú giắt đầy trên gác mái. Trước đây, khi mới học câu, chú thường buồn bã đem xô không trở về. Nhưng chỉ một tháng, sau khi được anh bạn Quang cá truyền nghề, chú lên tay hẳn. Hàng ngày, gia đình chú tôi cứ gọi là ăn cá thay cơm. Cả con miu chột cũng suốt ngày được đánh chén món khoái khẩu.
Những, lúc câu được nhiều cá như vậy chú thường cười rõ to, mới đi về đến cổng mà tôi đã nghe rõ mồn một tiếng cười vang của chú.
Tôi quý chú còn vì tính tình chú xởi lởi, dễ gần. Đã ngoài bốn mươi nhưng tính chú tôi vẫn trẻ trung lắm. Chú thường là người bày ra những trò chơi trong nhà. Đặc biệt chú thường rủ bọn tôi (gồm cả con gái chú) trêu chọc thím. Không khí trong nhà chú lúc nào cũng vui như tết chứ không trầm trầm như nhà tôi.
Tuy bên ngoài lúc nào cũng cười cười nói nói nhưng chú cũng là một người rất hay suy nghĩ. Nhiều lần chú tâm sự: “Cuộc sống của chúng ta không phải lúc nào cũng tốt đẹp đâu cháu! Nhưng cháu hãy nhớ rằng mỗi ngày là một món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta. Vậy tại sao chúng ta lại lãng phí nó chứ. Hãy sống hết mình để về sau nhìn lại cháu không cảm thấy hối tiếc”. Những câu nói đó khiến tôi suy nghĩ mãi...
Năm ngoái, bố muốn gia đình chú dọn xuống Hà Nội sống cho gần anh, gần em nhưng chú nhất định không chịu. Chú bảo không thích cuộc sống chật hẹp và bó buộc. Chú muốn sống nhàn tản bên cây cối của mình. Lúc đó tôi nghĩ chú không khác gì những ẩn sĩ thời xưa, thích sống lánh đời.
Tuy là con trai nhưng chú tôi lại nấu ăn rất giỏi. Trong khoản này bố tôi phải thua xa. Chú không ăn thịt chó bao giờ nhưng món xào lăn của chú không vị khách nào có thể từ chối hay bỏ dở. Bao giờ quán của chú cũng đông khách nườm nượp. Mỗi lần về quê là tôi lại có dịp thưởng thức tay nghề của chú. Ăn vào là mê ngay từ đầu lưỡi mê đi.
Cuộc sống của chú tôi đang yên lành thì đột nhiên năm ngoái chú tôi bị tai nạn ô tô. Vì cứu một vị khách đi cùng mà chú bị thùng hàng đè. Chiếc xe bị lật xuống suối, chú bị ngâm dưới nước gần một tiếng đồng hồ. Lúc được cứu lên, chân chú không còn nhận ra hình dáng nữa. Anh em trong nhà ai cũng thương chú lắm! Vào bệnh viện Xanh pôn, bác sĩ bảo phải cưa chân. Thím tôi ngất lên ngất xuống. Một bầu không khí buồn bã bao trùm lên toàn gia đình. Chú tôi chắc sốc lắm. Trở thành một người tàn tật quả là một điều khó có thể tưởng tượng với chú. Mọi người tưởng chú sẽ phát điên, nhưng trái lại, chú rất bình tĩnh, cố gắng để người thân không ai phải buồn vì mình. Nhiều lần lên thăm chú, tôi cứ khóc mãi. Lúc đó, chính chú lại là người dỗ dành, an ủi tôi. Chú cười và nhắc lại câu nói cũ: “Mỗi ngày là một món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta. Chú sẽ không để phí một ngày nào đâu cháu”. Lúc đó, tôi thấy chú thật dũng cảm. Tôi rất tự hào vì mình có một người chú kiên cường đến vậy.
Nhờ trời phù hộ, cuối cùng chân chú không bị cưa. Và sau nửa năm điều dưỡng, chú đã đi lại được tuy hơi khó khăn đôi chút. Nhưng trong mắt tôi, chú lúc nào cũng thật sự hoàn hảo.
Một năm sau, trở về thăm quê, tôi lại bắt gặp hình ảnh thân quen của chú trước đó. Chú đang hì hục ngồi rang thính thơm lừng. Nhìn thấy tôi chú cười to: “A! Cái Hồng về chơi đấy à cất đồ đi rồi đi câu cá với chú. Mồi xong rồi đây”. Vừa nói chú vừa giơ chảo thính lên. Tôi cười tít mắt, dạ rõ to rồi chạy lại vào nhà...