Phân tích hai câu thơ đầu của bài thơ "Chiều tối” (Hồ Chí Minh): "Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ/ Cô vân mạn mạn độ thiên không" (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây lơ lửng giữa tầng không)

Mùa thu năm 1942, Nguyễn Ái Quốc bị bắt khi vừa đặt chân lên đất Trung Quốc bắt đầu những ngày tháng đày ải lao khổ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Không hề bị xét xử, không hề luận tội, Bác bị chuyển đi hết nhà lao này đến nhà lao khác chỉ với mục đích đày đọa:

“Quế Lâm, Liễu Châu lại Quế Lâm

Đá qua, đá lại bóng chuyền nhau”

Nhưng vượt lên tất cả, người vẫn mở rộng lòng mình để chan hòa với vạn vật và giành tình yêu thương cho hết thảy. “Chiều tối” là một bài thơ nằm trong mạch cảm hứng như thế với hai câu thơ mở đầu đầy sức gợi:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây lơ lửng giữu tầng không)

Hai câu thơ có sức gợi sâu sắc mở ra bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà, khi những ánh sáng của một ngày đang dần yếu ớt, tàn lụi. Đó là thời khắc cuối cùng của một ngày và với người tù nhân, đó cũng là chặng cuối cùng của một ngày đày ải. Thời gian và hoàn cảnh như thế gây nên trạng thái mệt mỏi, chán chường vậy mà ở đây cảm hứng của Bác thật tự nhiên. Dường như người tù lúc ấy đang ngước mắt lên nhìn bầu trời và chợt thấy cánh chim mệt mỏi bay về tổ ếm, chòm mây chầm chậm trôi qua lưng trời. Khung cảnh thiên nhiên được khắc họa bằng những nét chấm phá (dùng điểm để nói diện) không tả mà người đọc vẫn cảm thấy được cái âm u, vắng vẻ, quạnh hiu và mang dư vị buồn của cảnh vật. Trong thơ ca cổ điển phương Đông, cánh chim bay về tổ, về núi rừng thường mang ý nghĩa biểu tượng cho buổi chiều tà. Đó là hình ảnh “Chim bay về núi tối rồi” trong ca dao; là cánh “Chim hôm thoi thót về rừng” trong Truyện Kiều. Cánh chim đó vừa mang ý nghĩa không gian lại vừa có ý nghĩa thời gian. Cánh chim có nét tương đồng với tình cảnh của người tù: Suốt một ngày bay đi kiếm ăn, cánh chim đã mỏi, chỉ mong muốn “tầm túc thụ” - tìm một nơi yên bình nào đó để nghỉ ngơi và người tù thì cũng đã mệt mỏi rã rời sau một ngày chuyển lao vất vả. Trong ý thơ ấy có biết bao sự hòa hợp, cảm thông giữa tâm hồn nhà thơ với thiên nhiên, cảnh vật. Cội nguồn của sự cảm thông ấy chính là tình yêu thương mênh mông mà Người giành cho mọi sự sống trên đời. Góp thêm vào bức tranh của buổi chiều thu còn là cảnh: “Chòm mây lơ lửng giữa tầng không”. Câu thơ dịch tuy hay nhưng làm mất đi chữ ‘cô” - “cô vân”, làm cho chòm mây dường như mất đi cái cô đơn, lẻ loi trên nền trời bao la. Cụm từ “cô vân” có sức gợi hình ảnh bầu trời càng rộng lớn, bao la bao nhiêu thì cái cô đơn, lẻ loi của chòm mây càng được đặc tả bấy nhiêu. Với chòm mây ấy, không gian như mênh mông vô tận và thời gian như thể ngừng trôi. Cánh chim, chòm mây cô lẻ đó có vẻ gì tương đồng với người tù đang trên đường chuyển lao khổ ải: lẻ loi trong cảnh tù đày và khát khao được trở về đất nước.

Chỉ với hai câu thơ mà dưới cặp mắt nghệ sĩ của người tù cách mạng, bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà hiện lên chân thực và sống động, ở đó, cánh chim và chòm mây trở nên có hồn khi có một người nghệ sĩ, vượt qua những đày đọa của bản thân, đang hướng cặp mắt của mình giao hòa cùng thiên nhiên. Thiên nhiển thâm thìa nỗi buồn vì cảnh buồn, người buồn và cánh chim bay về tổ gợi niềm ước mong sum họp nhưng vượt lên trên tất cả, người tù vẫn mở rộng hồn mình để chan hoa, giao cảm với thiên nhiên. Hai câu thơ mang vẻ đẹp cổ điển nhưng vẫn đầy chất hiện đại của một hồn thơ chiến sĩ, một tinh thần thép luôn vận động hướng ra ánh sáng, hướng về cuộc sống:

“Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng”

Người tù không đi vào đêm tối hoang lạnh mà mải vui với niềm vui của cuộc sống ấm áp.

Hai câu thơ ngắn gọn một lần nữa chứng minh cho một hồn thơ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, con người, vượt lên hoàn cảnh của mình để chan hòa, gỉao cảm với tất cả.

“Vần biết rằng người không chút rảnh

Trong khi đánh giặc vẫn là thơ”...

BÀI CÙNG NHÓM