Cảm nghĩ của em về những khía cạnh nực cười ở lão Giuốc-đanh trong trích đoạn kịch vừa học

1. Qua đoạn trích vở kịch “Gã tư sản quý tộc” của Môlie vừa được học, nhân vật lão Giuốc-đanh bộc lộ một số nét khá buồn cười của một gã giàu tiền nhưng dốt nát muốn học đòi làm sang.

2. Giuốc-đanh có tham vọng lớn là “trở thành một nhà bác học”. Kể ra, điều đó bản thân nó không có gì đáng cười cả, thậm chí còn đáng kính trọng nếu nó thể hiện một động cơ thực sự khao khát trí thức, muốn có tri thức cao để giúp cho cuộc sống của mình và mọi người được phong phú tốt đẹp hơn. Nhưng ở lão Giuốc-đanh em không hề nhận thấy có động cơ chân chính ấy. Lão “khao khát trở thành một nhà bác học”, nhưng không biết tôn trọng trí thức, và nhất là không hề có một quyết tâm dù nhỏ đế tiếp nhận, chiếm lĩnh nó. Giọng lão đầy khinh thị khi hỏi “vật lí học tán cái quái gì nhỉ?”. Đối với lão, mọi khái niệm thuật ngữ khoa học cần dày công học hỏi, chỉ là những “tiếng váng óc”, một “món canh thập cẩm” thêm nặng đầu, chẳng ngon lành gì cả! Lão đã thật thà nói thẳng lí do không thiết đến luân lí học, là vì “tôi muốn được tha hồ nổi giận và giận lúc nào tùy thích!” Thật nực cười. Đến đây ta đã rõ; lão mời thầy về chỉ là đua đòi, bắt chước lề lối ở những gia đình quý tộc khác, tuyệt nhiên không phải từ khát vọng thực sự ham muốn tri thức, quý trọng khoa học.

Một điều nữa em thấy nực cười ở lão nhà giàu này là thói tham lam hoàn toàn không có cơ sở thực tế gì hết. Lão muốn trở thành nhà bác học, thành đỉnh cao tri thức, trong khi chẳng có hiểu mô tê gì về những điều sơ đẳng nhất. Đối với lão, mọi nguyên lí về khoa học, chỉ là “biết đọc, biết viết”; thậm chí toàn bộ yêu cầu về nội dung kiến thức một “nhà bác học” cần có, chỉ là biết “chính tả” và biết xem lịch để tìm “khi nào có trăng, khi nào không trăng”. Thật là thói tham lam điên khùng của con ếch muốn to bằng con bò. Nhưng ở con ếch, ít ra nó còn có cố gắng tự thân, còn ráng căng hơi phình bụng. Đằng này, lão Giuôc-đanh chỉ muốn ăn sẵn với đầu óc thực dụng thô sơ, thiển cận nhất. Lão mù tịt cả về thơ lẫn văn xuôi, mà tỏ ra đầy thỏa mãn, thậm chí hợm mình vì đã “hơn bốn mươi năm nay, tôi nói văn xuôi”, vì câu tán tỉnh phụ nữ sáo mòn “ngay lần đầu mà đã hay như thế đấy!” Và rút cuộc, bản chất trọc phú của lão đã phơi trần qua giọng nói đắc chí tự phụ: “Ấy là tôi chẳng học hành gì cả đây”.

Em nhận thấy ở lão trọc phú này, quý trọng trí thức, có bao giờ người ta dấu dốt, thậm chí còn lên giọng “cho tôi nghe thử” (!) như vậy? Đối với Giuốc-đanh, ước mơ thành “nhà bác học”, một ước mơ cháy bỏng đến nỗi lão phát “oán cha mẹ lắm” vì không cho lão học, rút cuộc chỉ để thành người biết “cái gì thu thú”, “những thứ hay ho” như kiểu khi đọc âm u, để “khi ngài muốn bĩu môi chế giễu ai, ngài chỉ việc nói với anh ta”: “U”. Và cuối cùng, động cơ chủ yếu nhất, “tâm sự thiết tha nhất của “nhà bác học” tương lai này, chỉ cốt sao có đủ tri thức viết nổi “một lá thư nho nhỏ để thả rơi dưới chân “một” phu nhân”... “đại quý tộc” cho đúng kiểu quý tộc! Sự nực cười nữa ở đây, sự nực cười thể hiện trung thành cái tính cách “bác học” lỏm, “bác học” trọng phú của lão Giuốc-đanh là thái độ khăng khăng “chỉ muốn viết những lời ấy thôi”, những lời vừa nhàm sáo vừa thô kệch của một gã trọc phú, để gửi cho một phu nhân đại quý tộc, hòng rung động con tim của bà ta!

Nếu tìm hiểu thêm nhân vật Giuốc-đanh này trong cảnh lão “mặc lễ phục” ta càng thấy đặc trưng học đòi dỏm, khoe mẽ hình thức ấy thật là một khía cạnh nực cười rất đậm nét ở lão. Đối với lão, chỉ cần “những người cao quý mặc áo ngược hoa”, thì lão cũng đòi hỏi ngay thợ may phải may “hoa lộn lên” cho lão, bất chấp lương tri tự nhiên và thẩm mĩ thông thường. Chi tiết hài hước này khiến em nhớ đến tích ngày xưa, một cô gái xấu ma chê quỷ hờn đã bắt chước Tây Thi nhăn mặt, vì tưởng làm thế sẽ đẹp như nàng; cũng như ngày nay những thanh niên mặc chiếc áo phông có mấy chữ Anh nhiều khi rất lố lăng, thô bỉ mà ngay cả dân Hippy phương Tây cũng chỉ dùng trong phòng ngủ, nghênh ngang ra diễu trên đường phố, tưởng thế mới đúng mốt hiện đại!

3. Thế đó, ngày nay chưa phải đã hết những Giuốc-đanh tân thời, coi tri thức là một thứ thời trang, cốt kiếm lấy chứng chỉ này chứng chỉ nọ bằng đủ cách dù “dỏm” cũng được kể khoe mẽ. Những trò nực cười giả dối kiểu Giuốc-đanh mà Môlie đã căng lên với mọi chi tiết uốn éo sống động trên tấm ván văn học ấy, theo em nghĩ, vẫn có tác dụng như những tấm gương tày liếp cho cuộc sống chúng ta đang cần phải nỗ lực chiếm lĩnh thực sự những tri thức hiện đại để hội nhập với thế giới những năm 2000 trước mắt này.

BÀI CÙNG NHÓM