Theo cổ tích ngày xưa kể lại, bà từ một nơi nào đó xuất hiện, thường mang đến cho trẻ thơ biết bao câu chuyện. Bà hiểu biết sâu sắc cuộc sống và ý nghĩa của nó, nên mong muốn truyền dạy lại cho cháu thơ. Trên đời, lẽ dĩ nhiên có nhiều cái cần cho cháu, nên trước hết bà đã mang ánh sáng mắt trời đến cho trẻ. Đó ít ra cũng là những điều mà cổ tích truyền lại.
Buổi tối, trăng huyền ảo trên bầu trời sâu thẳm và sao cũng nhảy múa lung linh. Bà ngồi dưới ánh trăng, trong đôi mắt hiện lên những tia sáng kì lạ. Bà vui hay buồn? Bà lặng lẽ âm thầm không nói mà chỉ vuốt mái đầu của cháu đang khắc khoải đợi chờ hai tiếng “ngày xưa”.
- Bà ơi! Bà kể cho cháu nghe đi, một câu chuyện cổ tích ấy!
- Ờ, ừ...
Bà rất muốn kể, nhưng bà còn nghĩ đã và rồi bà kể:
- Ngày xưa, có một cậu bé nhà nghèo ơi là nghèo, nhưng cậu thương mẹ lắm...
Cháu thiếp đi trong cái giấc mơ về “ngày xưa” ấy. Ôi, bà quả là tuyệt diệu.
Xin cảm ơn bà!
Ấy thế mà hôm qua, lòng bà quặn thắt khi nhìn thấy cháu xua đuổi người ăn mày. Không phải cháu tàn nhẫn, nhưng cháu chưa ý thức được rằng hành động ấy gây ra cho người ăn mày nỗi tủi hận mà khiến bà phải xót xa. Bà ôm cháu vào lòng, bà khóc:
- Cháu ơi, bà thương cháu lắm, nhưng bà không thể để lương tâm cháu dễ bỏ qua. Con người ta cứ ở hiền thì gặp lành, gieo gió ắt gặp bão. Hôm nay nếu cháu làm toàn việc thiện, thì ngày sau, việc tốt, điều may mắn sẽ đến vởi cháu. Cũng như con chim nhỏ kia, khi nó cất tiếng hót, người nghe thấy lâng lâng đễ chịu, còn chính nó cũng rộn ràng một niềm vui trong trẻo.
- Thật thế hả bà?
- Đúng đấy cháu ạ! Cháu đã nghe được chuyện Thạch Sanh - Lý Thông chưa, ở đó cũng gởi gắm bao điều hay lẽ phải. Bà sẽ kể cho cháu nghe nhé.
Cháu mỉm cười, nụ cười hồn nhiên sung sướng: Bà hãy kể thật nhiều chuyện đi. Cháu thích được thấy Lí Thông bị trừng phạt, Thạch Sanh được đền bù.
Cháu đã nhận ra thế nào là thiện ác, là luật “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” mà bà đã từng căn dặn.
Bà ôm lấy cháu vuốt ve, tối nay bà sẽ kể cho cháu nghe “Tấm Cám”, cháu sẽ hiểu nhiều hơn nữa. Bà mỉm cười, nụ cười của một người tùng trải, cháu yêu của bà ơi, bà sinh ra là để kể chuyện cho cháu mà, chỉ có cháu của bà thôi!
Có đêm nào nhiều sao hơn đêm nay? Cháu mở to mắt nhìn lên chùm sao tít tắp. Cháu mơ sao đậu xuống vai mình, mơ chim phượng hoàng “ăn một quả, trả cục vàng” đưa cháu đến một hòn đảo lung linh tuyệt đẹp... Đấy, chuyện cổ tích của bà đã chắp cánh bay diệu kì cho cháu. Bà kể, lại giáo dục cháu làm việc tốt. Chắc từ nay, cháu sẽ không bao giờ còn rẻ khinh những người hành khất tội nghiệp.
Trong đời mình, cháu có cảm giác được thực sự đón nhận hạnh phúc ngọt ngào khi tiếng kể chuyện, “ngày xưa” cất lên vỗ về ấm áp. Cháu ghi lòng tạc dạ tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang” của Thạch Sanh mà bà truyền lại.
Một ngày hè oi bức, tiếng ve sầu não nùng trên tán phượng kia, cháu còn nhìn xa xăm về phía trước, mường tượng tới tương lai. Ôi, tương lai mới đẹp đẽ, rực rỡ biết nhường nào. Bỗng cháu nhìn thấy một em nhỏ đang ngã ngoài hè, bé khóc nức nở, nước mắt khóc đẫm cả áo. Cháu chạy vội ra đỡ em lên. Nhưng cháu thấy mệt mỏi quá! Cháu có hơn em là bao! Cháu cũng còn nhỏ. Mà em bé lạ thật! Nó cứ ngồi giữa đường để khóc. Khi đỡ được bé dậy, cháu mệt nhoài, thở hổn hển, cháu tưng tức làm sao ấy. Cháu chạy về nhà, khóc với bà. Bà dịu dàng nói:
- Hạnh phúc bao giờ cũng có giá. Cháu có biết những bông hoa ngoài trời không? Có thể chúng đang khóc dưới cái nắng đỏ lửa. Đó cũng là cái giá phải trả khi mang đến cho người vẻ đẹp và mùi thơm hấp dẫn. Nếu như cháu không chăm sóc hoa thì hoa sẽ chết. Bà thiết nghĩ hoa có ý thức được cái chết đâu, nó chỉ cống hiến tất cả những gì đẹp thơm cho đến khi lịm dần trong cơn hấp hối. Còn con người chúng ta, chúng ta biết tất, chúng ta hiểu rõ về cái giá phải trả khi chân lí tốt đẹp có thể mãi hiện diện trong ta, nhưng chúng ta vẫn làm. Chúng ta vẫn làm cháu ạ! Cháu còn nhớ chuyện “Tấm Cám” không? Hãy cho bà biết có đúng là một người tốt như Tấm phải mua lấy điều hay việc thiện bằng cái giá rất cao không?
Cứ qua mỗi lần cháu phạm lỗi, bà lại đưa những chàng Thạch Sanh, những cô Tấm... để nâng đỡ cháu. Nhiều đêm cháu tự hỏi: nếu không có bà, liệu cháu có được bồi hồi xúc động với bao bài học quý giá, bao hình ảnh tuyệt với, mê mải lắng nghe như nuốt lấy từng lời như thế không? Ôi! bà của cháu!
Điều hay vẻ đẹp cháu đã tỏ, nhưng cháu vẫn muốn hiểu biết nhiều hơn. Đêm nào, lúc nào cháu cũng mong bà kể chuyện. Và mỗi khi bà kể, cháu lại mở to mắt lắng nghe, chân khẽ đung dựa, còn đôi tay nắm chặt lấy tay bà. Bà kể nữa đi! “Ngày mai bà lại kể nữa nhé!”. Mắt đã dip lại rồi, mà cháu vẫn không quên thì thầm vào tai bà như thế.
Có thể nói lúc cháu chơi, cháu học, bà luôn quanh quẩn đâu đây. Cháu ôm lấy bà thấp thỏm: “Bà ơi, cổ tích có bao giờ hết được không hả bà?” - “Không, chẳng bao giờ hết được cháu ạ! Nó có hàng kho, hàng kho chứa chất trong lòng bà mà cháu!”. Dưới ánh đèn ngủ mờ mờ cháu vẫn nhìn thấy đôi mắt bà vui, vui quá! Bà mỉm cười, phiêu diêu lạ! Kìa hình như nước mắt đang đọng trên đôi má hõm của bà.
Cháu luôn ước mong bà sống mãi! Chẳng những vì thiết tha yêu bà mà còn muốn nghe mãi cổ tích bà kể. Từ khi có bà, cháu ngoan lên nhiều, bà nhỉ? cổ tích kể lại vậy đó, nhưng bà không những có ở cổ tích, mà còn ở đời thật, ở trong tâm hồn cháu. Nếu như cuộc đời thiếu ánh thái dương hẳn sẽ tối tăm buồn bã lắm. Cũng như cháu, cháu rất cần bà soi sáng trong tim.