Phân tích “Hai đứa trẻ” để chứng minh cho một nhận định của Thạch Lam: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường'’

Nguyễn Hoành Khung trong “Lời giới thiệu” văn xuôi Việt Nam đã nhận định:

“Thạch Lam dường như là cây bút đầu tiên có ý thức khai thác chất thơ trong đời sống bình dị thường nhật; không khỏi có ý kiến cho là ông thường thi vị hóa hiện thực. Quả là có những sáng tác không mấy có ý nghĩa, có phần nhạt nhẽo, ngòi bút của tác giả chỉ buông theo cảm giác gần như duy cảm, duy mĩ, và như vậy chỉ là một hướng thoát li, thoát li vào cái nội tâm bình yên. Song thế giới cảm giác trong sáng tác Thạch Lam thường trong lành, không phải cõi vô thức tối tăm của văn học suy đồi. Trước sau, Thạch Lam vẫn giàu lòng tin ở thiện căn con người, không xa rời cái chân, cái thiện”. Với lòng tin ấy, sáng tác của Thạch Lam là một sự khám phá “cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tang ở mọi vật tầm thường”. Đọc “Hai đứa trẻ”, người ta sẽ cảm nhận được một cách chân thực về vẻ đẹp tiếm tàng ấy.

Hai đứa trẻ là một truyện có cốt truyện đơn giản, một kiểu truyện ngắn trữ tình có nhiều chi tiết cứ ngỡ như là vụn vặt, vô nghĩa nhưng kì thực đã có chọn lọc và sắp xếp một cách kín đáo để diễn tả tâm trạng của nhân vật. Qua đó, tác giả gửi gắm một cách kín đáo, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần thấm thía tư tưởng nhân đạo một cách đáng quý. Mặc dù là một thành viên, sáng tác theo tuyên ngôn của Tự Lực Văn Đoàn, Thạch Lam đã tìm ra cho mình một lối đi riêng đầy bản lĩnh, thể hiện cá tính sáng tạo của mình. Là nhà văn có khuynh hướng hiện thực, Thạch Lam mới chỉ đi vào miêu tả hiện thực như nó vốn có chứ chưa đi sâu vào bản chất, hiện thực. Truyện ngắn Thạch Lam là sự hòa quyện giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn trữ tình, ông thường viết về những truyện có chuyện, chủ yếu khai tác thế giới nội tâm của nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Mỗi truyện là một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm yêu mến chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người. Đó là những hiện thực bình thường, nhỏ nhặt, tầm thường của cuộc sống, là cuộc sống của những kiếp người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội, những cái “len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường” nhưng vẫn để lại cho người ta sức ám ảnh lớn bởi dư vị mà nó mang lại. Ấy là cái đẹp toát lên từ cuộc sống, cái đẹp toát lên từ chính những kiếp người nghèo khổ. Xung quanh Thạch Lam, có biết bao những người như thế, họ đang sống cuộc sống vất vả. Rất nhiều người trong số họ vẫn giữ trọn tấm lòng trong sạch của mình. Cũng có người trong số họ đang đứng trên ranh giới của đúng, sai; đã có những lúc họ mắc sai lầm, nhưng trong mỗi con người luôn có một quá trình đấu tranh nội tâm gay gắt để tìm ra lẽ phải. Có thê'nói, một trong những điều mới mẻ và tiến bộ trong quan niệm nghệ thuật của Thạch Lam là việc miêu tả hướng tới nội tâm của nhân vật. Trong “Theo giòng” nhà văn viết: “Cái đời sống cần là cái đời sống bến trong, cái đời sống của tâm hồn”. Từ đó ông chỉ ra nguyên nhần của sự yêu thích tiểu thuyết: “Sự nảy nở trong đời sống tâm hồn của từng người, khi người ta bắt đầu có đời sống bên trong, hay tìm xét những trạng thái của tâm hồn mình, người ta thích đọc tiểu thuyết. Và ngược lại, tiểu thuyết giúp cho đời sống bên trong sâu sắc và dồi dào hơn”. Thạch Lam đã coi đời sống bên trong tâm hồn con người là đối tượng để khám phá, miêu tả. ông phát hiện ra vẻ đẹp của họ từ những điều rất giản dị, những điều rất bình thường mà không phải ai cũng nhận ra được. Bức tranh thiên nhiên tuy không được miêu tả nhiều nhưng cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc góp phần khắc họa nội tâm nhân vật. Đó là thiên nhiên được miêu tả một cách nhẹ nhàng, ở một vài nét chấm phá nhưng cũng để lại cho người đọc những ấn tượng.

“Hai đứa trẻ” để lại ấn tượng trước tiên cho người đọc bởi bức tranh thiên nhiên chiều tàn với những nét chấm phá đầy ấn tượng:

“Tiếng trống thu không trên một cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều, Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.

Chiều, chiều rồi. Một chiều êm như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”.

Một bức họa đồng quê quen thuộc, gần gũi và gợi cảm được tạo nên từ những câu vãn êm dịu, vừa giàu hình ảnh, nhạc điệu lại vừa uyển chuyển tinh tế. Mỗi câu văn, câu trước gợi câu sau, như một nét vẽ đơn sơ, không cầu kì, kiểu cách nhưng lại gợi dậy được cái hồn của cảnh vật, cái thần thái của thiên nhiên khiến cho người đọc như cảm thấy hiện ra một bức tranh quê rất Việt Nam. Những câu văn để lại trong lòng người nhiều ấn tượng không chỉ bởi những nét vẽ chấm phá nhưng sắc nét của cảnh vật mà điều quan trọng hơn là nó khơi dậy những tình cảm, xúc cảm đối với cảnh vật, một cảm xúc buồn man mác trước cảnh ngày tàn.

Bên cạnh cảnh ngày tàn là cảnh chợ tàn và những kiếp người tàn tạ. Dấu ấn của cuộc sống thường nhật giờ đây chỉ còn lại những rác rưởi của một phiên chợ tàn. Nó tạo thành một thứ mùi rất quen thuộc, không thể trộn lẫn: mùi của cát bụi, mùi của rác rưởi,... mùi của sự nghèo khổ. Con người phố huyện, cũng giống như cái mùi vị nghèo khổ đang bốc lên từ đất kia. Họ hiện lên, nhỏ bé, nghèo đói, tội nghiệp. Đó là mấy đứa trẻ con nhà nghèo đang tìm tòi, nhặt nhạnh trên đống rác rưởi ở chợ; là mẹ con chị Tí ngày thì mò cua bắt ốc, tối lại dọn quán hàng nước nhỏ; là bác phở Siêu gánh đi bán một thứ hàng bị coi là xa xỉ đối với những người dân phố huyện nghèo... Cứ thế, cứ thế, Thạch Lam khồng đao to búa lớn, ông từ từ, từng bước một làm hiện lên bức tranh cuộc sống nghèo khổ của những con người nơi phố huyện. Những khung cảnh ấy gieo vào trong lòng người một nôi buồn nhẹ nhàng, man mác về cảnh đời, cảnh người. Nhân vật chính trong tác phẩm là chị em An và Liên, trong đó, tác giả triển khai truyện chủ yếu theo dòng cảm xúc của Liên, một cô gái mới lớn. Từ hình ảnh nhân vật này, người ta cảm nhận được một cách sâu sắc hơn “cái đẹp man mác khắp hang cùng ngõ hẻm...” mà Thạch Lam đã từng nói đến, vẻ đẹp toát lên từ tâm hồn con người, được triển khai theo những dòng cảm xúc nội tâm nên rất nhẹ nhàng nhưng thâm vào lòng người và để lại những ấn tượng sâu sắc. Liên là một cô gái có tâm hồn nhạy cảm đầy trong sáng. Trước cảnh ngày tận và những kiếp người tàn tạ, cô cảm thấy “lòng buồn man mác”. Cô cảm nhận được từ nơi phố huyện thứ “mùi riêng của đất, của quê hương này” và động lòng thương cho những đứa trẻ con nhà nghèo, những kiếp người bất hạnh như mẹ con chị Tí, như vợ chồng bác xẩm, bác phở Siêu... Tâm hồn của cô gái ấy tinh tế, có lòng trắc ẩn và thương yêu con người sâu sắc. Liên không chỉ tỏ ra là một cô gái lớn đảm đang tháo vát, có khả năng quán xuyến gia đình, không chỉ tỏ ra là một người chị đích thực biết quan tâm, săn sóc em, người ta còn thấy cô có một mối tình cảm gắn bó, yêu mến đặc biệt với mảnh đất nơi cô sống, mặc dù nó nghèo khổ và buồn, với những người xung quanh cô, mặc dù họ chỉ là những kiếp người nghèo đói, tàn tạ. Liên là một cô gái có tâm hồn đẹp. Thạch Lam miêu tả rất ít về cô, ông chỉ mượn cái nhìn của Liên để nhìn cuộc sống nơi phố huyện nhưng qua đó cũng đủ để lại cho người ta những ấn tượng sâu sắc về nhân vật này cũng như tấm lòng của chính tác giả.

Phụ nữ và trẻ thơ là một đề tài quen thuộc của Thạch Lam. Đây là đối tượng Thạch Lam giành nhiều sự quan tâm, cảm thông và ưu ái hơn cả. Ta đã từng được gặp người đàn bà bất hạnh vất vả nuôi đàn con nheo nhóc trong “Nhà mẹ Lê”, gặp những cô gái phải chịu đựng kiếp làm dâu tủi nhục trong “Hai lần chết”; gặp câu chuyện man mác buồn về cuộc sống quẩn quanh của một phụ nữ nghèo lam lũ trong “Cô hàng xén”... Ta cũng đã từng bắt gặp những đứa trẻ mà cái nghèo và buồn lúc nào cũng xoay quanh, tác động đến tâm hồn trong sáng và ngây thơ của chúng trong “Gió lạnh đầu mùa”, “Hai đứa trẻ”.. Tất cả những nhân vật được nhắc đến trong “Hai đứa trẻ” chủ yếu là phụ nữ nhưng những gì toát lên từ cuộc sống và tâm hồn của họ cũng đủ để đại diện cho tất cả những kiếp người nghèo khổ trong phố huyện nghèo, cho những người nghèo khổ bất hạnh vẫn thường gặp trong các tác phẩm của Thạch Lam: những thân phận, những cuộc đời nghèo khổ đang bị cuộc sống tù túng, buồn tẻ vùi dập những ước mơ, khát vọng. Nhưng có một điều đáng nói là mặc dù sống trong một hoàn cảnh như vậy, con người vẫn chưa bao giờ hết ước mơ. Bóng đêm của phố huyện không thể che giấu đi những cảnh sống nghèo khổ, ngược lại, nó lại càng được khắc họa đậm nét hơn bởi sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. ”Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sống, con đường qua chợ về nhà; các ngõ vào làng lại càng den sẫm hơn nữa”.. Ánh sáng có xuất hiện nhưng chỉ là những đốm sáng yếu ớt, mong manh: ở một vài của hàng, cửa chỉ hé ra một khe ánh sáng; “Quầng sáng thân mật” quanh ngọn đèn của chị Tí; một “chấm” lửa nhỏ - bếp lửa của bác Siêu; ngọn dèn của Liên thưa thớt từng “hột” sáng lọt qua phên nứa... Đó cũng là thứ ánh sáng nhỏ bé, le lói như chính cuộc đời, số phận của những người dân phố huyện. Cuộc sống ngày nào cũng diễn ra với bằng ấy cảnh, dơn điệu, nhàm chán: cũng vẫn chị Tí dọn hàng, bác phở Siêu thổi lửa, gia đình bác xẩm xuất hiện với cái thau trước mặt; vẫn những suy nghĩ và mong đợi như mọi ngày... Người ta chỉ có thể sống được với cuộc sống “Quanh quẩn mãi cũng vài ba dáng điệu / Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người” khi họ đã mất hẳn ý thức về cuộc sống và niềm vui sống hoặc sống để chờ đợi, để ngưỡng vọng về những điều đang diễn ra phía trước. Tất nhiên, những người dân phố huyện nghèo không nằm trong trường hợp thứ nhất. Họ có thể sống được, hết ngày này qua ngày khác bởi từ trong bóng tối, họ vẫn ước mơ, mong đợi vào một ngày mai tươi sáng, “một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày”. Ước mơ tuy rất mơ hồ mong manh nhưng dù vậy, người ta vẫn thấy rằng, họ vẫn không mất hết niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Ước mơ, khát vọng ấy được thể hiện qua sự chờ đón chuyến tàu đi qua phố huyện mỗi đêm. Chuyến tàu mang theo hồi ức về Hà Nội hào hoa và rực sáng, Hà Nội gắn với những kỉ niệm về những cốc nước xanh'đỏ, những buổi đi chơi..., là hình ảnh của hạnh phúc, của những kí ức tuổi thơ êm đềm. Đoàn tàu là biểu tượng của một thê' giới khác thật sống động, đáng sống: sức sống mạnh mẽ, sự giàu sang và rực rỡ ánh sáng. Nó đốì lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của những người dân phố huyện. Chuyến tàu đến, nâng cánh cho những ước mơ của họ bay lên, vượt ra khỏi cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, hướng tới một cuộc sống mới, một thế giới mới tươi đẹp hơn và đầy ánh sáng. Thạch Lam trân trọng, nâng niu khát vọng vươn ra ánh sáng, vượt thoát khỏi cuộc sống tù túng, quẩn quanh, không cam chịu cái hiện thực tầm thường đang vây quanh mình của “Hai đứa trẻ” cũng như những người dân phố huyện.

Trong cái thế giới tưởng như tầm thường, nhỏ bé, tù túng của “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam đã phát hiện ra “cái đẹp man mác” trong cuộc sống và đặc biệt là trong tâm hồn mỗi con người, những con người không bao giờ hết ước mơ, không bao giờ hết ngưỡng vọng về một cuộc sống tươi đẹp hơn. Tác phẩm còn là bức thông điệp nhà văn muốn gửi gắm: Đừng bao giờ để cuộc sống của mình chìm trong cái “ao đời phẳng lặng”. Từ trong tối tăm, mòn mỏi, hãy biết vươn ra ánh sáng để hướng tới một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Giá trị nhân văn, nhân bản của tác phẩm là ở chỗ đó.

BÀI CÙNG NHÓM