HƯỚNG DẪN
Đề có hai yêu cầu. Yêu cầu một: Nêu một số gương vượt lên số phận, thành công trong học tập và cuộc sống. Yêu cầu hai, yêu cầu chính, suy nghĩ về những tấm gương đó. Trong phần nêu tâm gương, chỉ nêu mấy nét chính về những tấm gương điển hình, tránh tường thuật kiểu văn báo chí hay kể chuyện kiểu văn tự sự, phần suy nghĩ, phải khái quát được những bài học chung từ các tấm gương (nguồn gốc của ý thức phấn đấu, những nhân tố của thành công và liên hệ bản thân, rút ra phương hướng cụ thể để noi gương và tiến tới thành công).
BÀI LÀM
Không ai có thể chọn được số phận khi mình sinh ra, cũng như không thể lường hết được những tai họa ngẫu nhiên gặp phải trên đường đời. Phương Tây có thành ngữ “sinh ra dưới ngôi sao xấu” hay “sinh ra dưới ngôi sao tốt”. Những thua thiệt khi sinh ra hay những tai nạn không may gặp phải thường gây cho ta vô vàn khó khăn, trong đó có những khó khăn cực lớn cản trở con đường học tập và con đường phấn đấu trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng có rất nhiều người trong số những người “sinh ra dưới ngôi sao xấu” ấy đã không chịu đầu hàng số phận, họ đã vượt lên những khó khăn đó, để chẳng những bù lại những thua thiệt của mình về sức khỏe, vì điều kiện kinh tế... mà còn vươn tới những đỉnh cao tri thức, về tài năng và đạt được thành tựu về nhiều mặt trong cuộc sống.
Những tấm gương ấy xung quanh chúng ta không thiếu, không kể những tấm gương ở nước ngoài như Mêretxep phi công Liên Xô trước đây, cụt hai chân vẫn tập nhảy múa trên đôi chân giả, để có thể tiếp tục lái máy bay chiến đấu và lập chiến công. Nicôlai Ôxt-tơ-rôp-xki bị thương gãy cột sống, liệt toàn thân, mù hai mắt vẫn viết được cuốn tiểu thuyết xuất sắc Thép đã tôi thế đấy, còn nguyên giá trị, chỉ kể ở nước ta, cách đây mấy chục năm, có Phạm Hồng Sơn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 307 nổi tiếng trong kháng chiến chông Pháp, bị thương gãy xương sống, liệt hai chân vẫn tự học tiếng Nga và từ một người mới bắt đầu học, mấy năm sau đã trở thành dịch giả của những cuốn tiểu thuyết Nga.
Trưởng thành sau kháng chiến chống Pháp có Văn Vượng, anh bị mù từ năm 8 tuổi, nhưng đã gắng công học nhạc, học đánh đàn và bền bỉ say sưa luyện tập trở thành nghệ sĩ ghi ta nổi tiếng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, được nhân dân hâm mộ và lớp trẻ đến học đàn rất đông. Một cô gái đã yêu anh, kết duyên với anh và anh đã có một gia đình hạnh phúc, một đời sống sung túc.
Gần đây có anh Đỗ Trọng Khơi, bị tật nguyền do ốm nặng, không đi đứng được, phải thôi học từ lớp 4, nhưng trên giường bệnh, anh vẫn tự học, tập viết văn và đã trở thành nhà thơ, nhà văn Việt Nam với nhiều tác phẩm hay, được giải thưởng văn học.
Đặc biệt anh Nguyễn Ngọc Ký, sinh ra đã bị liệt hai cánh tay, anh đã tập viết bằng chân, tập vẽ, tập xâu chỉ, khâu vá cũng bằng chân và tự phục vụ mình trong sinh hoạt. Anh trở thành học sinh giỏi, thi đỗ vào đại học Tổng hợp văn. Ra dạy học, anh tự mình chuẩn bị đồ dùng dạy học, dùng chân treo lên tường để giảng cho học sinh. Anh dạy giỏi, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Anh còn vừa dạy học vừa viết văn, được bạn đọc đặc biệt bạn đọc nhỏ tuổi mến mộ và năm 2005 anh được vinh dự kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Anh cũng có một gia đình hạnh phúc, bạn đời của anh là một cô giáo.
Từ những tấm gương tiêu biểu trong muôn ngàn tấm gương vượt lên số phận, thành công trong học tập và cuộc sống, ta tự hỏi những con người có số phận không may ấy có thể gọi là những con người khuyết tật hay tàn phế vì sao có thể vươn lên như thế, chẳng những có thể làm được những công việc của người bình thường mà còn làm xuất sắc hơn. Vì sao những con người ấy lại có thể biến cái gần như “không thể” thành “có thể”, sức mạnh nào đã giúp họ, phép thần nào đã giúp họ?
Sức mạnh của họ bắt nguồn từ khát vọng sống và mục đích sống. Họ quyết bù đắp những cái mà tạo hóa, mà số phận đã lấy đi của họ để họ có hạnh phúc và cuộc sống bình thường như mọi người, họ muốn được công hiến cho xã hội như những người bình thường khác, không muốn là gánh nặng cho xã hội và hơn thế còn vươn tới những ước mơ mà họ trước kia không dám nghĩ tới hoặc chỉ thầm nghĩ tới mà thôi.
Khi người ta mất đi một phần của cuộc sống thì người ta quý hơn nhiều lần cuộc sống và nỗ lực phi thường để bù đắp cái mất. Khát vọng sống và mục đích sống đã giúp họ khắc phục những mặc cảm buồn chán. Cuộc sống dù gian khổ đến đâu cũng hơn vạn lần cái chết “Phải biết sống cả khi cuộc đời tưởng như không chịu được nữa. Hãy làm cho đời mi còn có ích” (Pa-ven Coóc-sa-ghin). Ý chí, nghị lực và lẽ sống đã giúp họ kiên trì tập luyện, tự học không ngừng không nghỉ, tiến bộ từng bước một cho đến một ngày, họ đã làm được cái mà mọi người và chính họ lúc đầu cũng tưởng không làm được. Và từ đấy đến thành thạo, đến hiệu quả cao, chỉ còn là một bước.
Trong quá trình tự học, tự luyện, họ trông vào bản thân là chính, sự giúp đỡ của những người khác chỉ là phụ và chỉ ở bước đầu. Nỗ lực, nỗ lực nữa, kiên trì, kiên trì nữa, đó là khẩu hiệu của họ. Mỗi bước tiến trong học tập, trong cuộc sống là phần thưởng quý giá, là nguồn hạnh phúc mà họ tự tặng cho bản thân để tự động viên mình.
Họ tin rằng tạo hóa không lấy đi của ai tất cả. Khi một khiếu năng này mất đi thì một kiêu nâng khác có thể được tăng thêm. Hãy cố gắng học tập, ta sẽ đạt được sự tăng thêm cái khác, để bù đắp cái mất.
Chúng ta là những người lành lặn lại có hoàn cảnh thuận lợi hơn (gia đình đầy đủ, kinh tế sung túc) lắm khi cảm thấy xấu hổ trước một số người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, vì thấy mình không bằng họ. Phải chăng vì ta chưa cố gắng, hay ta quá coi thường những điều kiện thuận lợi mà ta có nên không tận dụng, không phát huy nó.
Hãy yêu cuộc sống như những người có số phận không mấy yêu. Hãy phấn đấu như những người có số phận không may phấn đấu và tất nhiên hãy cố gắng đạt tới những thành tích cao hơn họ vì nên nhớ rằng chúng ta có điểm xuất phát cao hơn họ, có nền tảng cuộc sống cao hơn họ — Vì chúng ta là người “sinh ra dưới một ngôi sao tốt”.