Phân tích một đoạn Thơ mà anh (chi) cho là “đậm đà màu sắc dân tộc” trong bài Việt Bắc của Tố Hữu

Tính dân tộc là một phạm trù mĩ học, là một thuộc tính tất yếu của vãn học, được coi là tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm văn học. Mỗi nền văn học bao giờ cũng là thành tựu của cả một dân tộc nhất định, dù ít hay nhiều, sâu sắc hay không sâu sắc thì nền văn học bao giờ cũng hiển hiện những nét của dân tộc mình. Tính dân tộc quán triệt khá nhiều mặt của sáng tác vãn học, từ nguồn gốc đến chức năng, từ ngôn ngữ đến thể loại, từ nội dung đến hình thức.

Khi thế giới còn tồn tại nhiều dân tộc thì nền văn học dân tộc nhất định phải có nét riêng, phải có tính dân tộc. Không có một nền văn học nào là phi dân tộc, không có một người nào là phi dân tộc. Văn học có tính dân tộc là một trong những yêu cầu củà người sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ đòi hỏi phải có ý thức về dân tộc một cách sâu sắc, phản ánh được những truyền thống ý thức của dân tộc. Văn học phản ánh hiện thực, khi đi vào tác phẩm của mỗi nhà văn, bao giờ cũng thấy hiển hiện trước hết là hiện thực của đất nước mình, dân tộc mình.

Tính dân tộc được biểu hiện ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Đề tài là những sự kiện xảy ra trong lịch sử dân tộc, những hiện tượng chính tri của dân tộc; chủ đề ca ngợi lòng yêu nước, khẳng định ý thức, tinh thần dân tộc; nhân vật là những con người điển hình, biểu hiện tập trung tâm lí, tính cách của cả một dân tộc,... đó chính là những yếu tố nội dung in đậm tính dân tộc trong một tác phẩm văn học. Tác phẩm ấy còn phải biểu hiện được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và cách tân, dân tộc và hiện đại khi sử dụng linh hoạt những yếu tố hình thức như thể loại, ngôn ngữ, hình ảnh,...

Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu được thể hiện sinh động, phong phú qua hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, Tố Hữu đã tham gia, chứng kiến với tư cách là một người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi, một nhà thơ mang hồn thơ thời đại, bởi thế, thơ ông kết tinh, quy tụ được giá trị nhân văn, sức mạnh tinh thần của dân tộc. Tiếng nói của người nghệ sĩ hòa nhập với cuộc đời chung. Rất khó phân biệt thơ Tố Hữu cái riêng, cái chung. Cái chung được miêu tả như những tiếng reo vui của tác giả trước những niềm vui lớn của dân tộc. Tố Hữu là nhà thơ nói được những vui buồn của lịch sử qua những chặng lịch sử dài.

“Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rùng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung".

Cảnh vật Việt Bắc được khắc họa rất điển hình. Tố Hữu đã mượn hình ảnh của hoa chuối đỏ tươi đế' gợi dậy một nét đặc trưng của mùa đông Việt Bắc. Có người cho rằng hình ảnh hoa chuối lần đầu tiên đi vào thơ Tố Hữu nhưng đã tạo được ấn tượng đặc biệt với người đọc. Cảnh mùa đông có nét ấm áp, rực rỡ, tươi tắn, chứ không phải là sự lạnh lẽo, hắt hiu. Bức tranh đan dệt bởi nhiều màu sắc: xanh, đỏ tươi, vàng. Nó không chỉ có nhiều sắc màu mà còn ngập tràn ánh sáng. “Ánh” là một từ rất gợi, hé mở sức sống kì diệu của cảnh và người Việt Bắc. Không thấy con người hiện hữu cụ thể mà chỉ qua hình ảnh “dao gài thắt lưng”, bóng dáng của người lao động vẫn hiện lên đầy bình dị, thân thiết. Bức tranh mùa đông đẹp vẻ đẹp ấm áp từ cảnh vật, và từ trong sức sống lao động của con người.

Mùa xuân Việt Bắc được gợi ra từ sắc trắng của hoa mơ, sắc xanh của rừng, tạo nên nét đẹp tinh khôi, thơ mộng của cảnh. Màu trắng của hoa có khả năng bao chiếm không gian, nhấn mạnh sự thanh khiết của cảnh vật. Hình ảnh con người Việt Bắc hiện lên với vẻ dẹp giản dị trong công việc lao động hàng ngày. Chỉ cần hình ảnh rất nhỏ cũng làm sáng vẻ đẹp cần mẫn, bền bỉ, kiên trì của người lao động trong công việc lao động của họ.

Nếu câu thơ mùa xuân bừng sáng sắc trắng của hoa mơ thì câu thơ mùa hạ lại ngân lên tiếng ve quen thuộc của núi rừng Việt Bắc. Tiếng ve dệt thành bản đồng ca mùa hạ rộn ràng, tươi vui. Sự hòa quyện giữa âm thanh và màu sắc đã tạo nên sự độc đáo cho cảnh vật. Sắc vàng của rừng phách như muốn tràn ra ngoài, ứa nhựa sống nhờ những tác động rộn ràng của tiếng ve. Câu thơ mùa hạ tưng bừng bởi thanh âm, náo nức bởi màu sắc, nhộn nhịp của cuộc sống lao động. Hình ảnh cô em gái hái măng không gợi nên sự lạc lõng, cô đơn mà hiển hiện người lao động bình dị, làm chủ công việc của mình, đã trở thành điểm nhấn cho bức tranh mùa hạ.

Hình ảnh vầng trăng mùa thu hòa bình mát rượi và tiếng hát ân tình vang ngân của con người đã làm sáng lên bức tranh mùa thu. Bức tranh ây lắng lại trong nét đẹp quyến rũ, gợi cảm. Khúc hát ân tình vang lên trong tâm hồn thi sĩ, vọng lại từ rừng thu Việt Bắc kháng chiến. Cái đẹp của thiên nhiên hòa quyện với cái đẹp của con người.

Đặc sắc hơn cả, bức tranh được nhìn bằng tất cả niềm yêu thương, gợi bằng nỗi nhớ mong tha thiết của tác giả. Từ “nhớ” được lặp nhiều lần, Tố Hữu qua thơ đã dựng lại một bức tranh Việt Bắc giản dị mà thân thuộc tình người. Sự chọn lọc hình ảnh đầy tài năng, sáng tạo của nhà thơ đã tạo ra một bộ tứ bình độc đáo, hoàn chỉnh. Lời thơ lục bát ngọt ngào, tha thiết làm nỗi nhớ càng thêm sâu nặng.

BÀI CÙNG NHÓM