YÊU CẦU
1. Kiểu bài kể chuyện.
2. Đây là loại chuyện đời thường, kể về một người thân trong gia đình. Như vậy người kể cần chọn nhân vật chính. Sự việc liên quan đến nhân vật chính phải có ý nghĩa, cần lựa chọn những sự việc, diễn biến tiêu biểu để thể hiện nổi bật tính cách, tâm hồn của nhân vật chính.
3. Khi kể chuyện lưu ý đúng mức đến yếu tố giới thiệu, thuyết minh, miêu tả.
BÀI LÀM
Thuở nhỏ, ai chẳng có ít nhất một lần được bà bế ẵm, nâng niu. Riêng tôi, mới hai tuổi bố mẹ đã gởi tôi về ở với bà nội. Tôi sống với bà hơn mười năm. Hơn mười năm, bà lo cho tôi ăn học, săn sóc tôi từng li từng tí. Vậy mà, thần chết đã cướp bà yêu quý của tôi, không cho bà nghe thấy - dù chỉ một tiếng - lời thét gọi của đứa cháu gái: “Bà ơi! Bà! Bà đừng bỏ con! Bà ơi...”
Lúc nhỏ, tôi là đứa hay ốm, vì vậy mà bà rất thương tôi. Mỗi lần tôi ốm, dù nhà nghèo, bà vẫn chữa cho tôi khỏi mới thôi. Lớn lên, bà lo cho tôi về ăn mặc, học hành. Có lúc, hết tiền mua sách cho tôi, bà chạy sang nhà hàng xóm, năn nỉ mượn sách cho tôi học. Những lúc ấy, tôi chỉ ước có phép lạ nào đến giúp bà cháu tôi vượt khỏi những khó khăn... Có một lần, tôi bị ốm, nhiệt độ lên tới ba mươi chín độ. Bà lo cho tôi lắm, vội vã gọi xe xích lô đưa tôi vào viện. Lúc ấy tôi rất tỉnh táo, nhìn bà vội vã, tôi càng thấy thương bà hơn. Đêm hôm ấy, tôi nằm tại viện. Bà bỏ ăn uống vào với tôi. Bà rất gầy, tôi tỏ ý bảo bà về, bà gạt đi và ở lại với tôi. Nửa đêm tôi thức, nhìn lên thấy bà ngủ gục nơi đầu giường. Thấy tôi thức, bà vội hỏi xem tôi có cần gì không. Tôi thương bà quá nắm lấy tay bà mà khóc. Bà an ủi: “Con đừng khóc nữa mà bà buồn. Con cố gắng khỏi bệnh, bà sẽ vui lắm”! Bà an ủi tôi, tôi càng thương bà, càng khóc to. Bà cũng nắm lấy tay tôi mà khóc... Sau trận ốm ấy, bố tôi về bàn với bà và sẽ đón bà và tôi lên thành phố. Mới đầu, bà không đồng ý. Nhưng khi nghe bố nói tôi cần sự chăm sóc của bà, bà lại ứa nước mắt, gật đầu. Ở thành phố, cái gì cũng mới lạ đối với bà. Tôi thích nghi ngay với bầu không khí - theo bà là quá ồn ào. Mấy lần bà đòi về, nhưng tôi níu giữ, bà lại thôi. Bà bị huyết áp cao từ lâu. Một lần, nghe nói huyết áp cao dễ chết, tôi hỏi bà, bà gật đầu: “ừ, dễ chết”. Lúc ấy tôi sợ quá, ôm chầm lấy bà hét toáng: “Bà không được... cháu không cho”. Bà cười: “Cha bố mày...”. Lên thành phố được hai tháng, bệnh của bà mới phát triển. Hôm đó, bố tôi dậy sớm. Ông ra phòng khách bỗng thấy bà đã ngất xỉu từ lúc nào. Thế là cả nhà náo loạn cả lên. Chú Long và bố tôi vội đưa bà vào viện. Tôi ở nhà, lo lắm, hết đi ra lại đi vào. Trưa hôm đó, tôi được vào thăm bà. Bà nằm trong phòng cấp cứu, thở oxy, mắt nhắm nghiền. Tôi nhìn bà, nhớ lại những ngày tôi ở gàn bà mà không hay nước mắt đã chảy từ bao giờ... Rồi điều, gì đến phải đên. Tối hôm ấy, bố tôi bảo tôi vào ngay viện. Bà muốn gặp tôi. Linh cảm thấy có điều gì chẳng lành, tôi vội cùng bố vào viện. Vào đến nơi, bà đang nằm trên giường, sắc mặt bạc lắm. Tôi vội chạy ngay vào, quỳ xuống giường bà, nức nở: “B... à... ơi! Con đã đến... đây!” Bà cố mở mắt nhìn tôi. Tôi nắm tay bà. Ôi! Đôi bàn tay đã tần tảo nuôi tôi bao năm. Bà chợt đưa tay ra xoa đầu tôi. Giọng bà đứt quãng: “Con!...- Bà... r... ất... mừng. Con hãy... c... ố lên... thành... một... c... on... người...”. Rồi bà từ từ nhắm mắt. Tôi hoảng hốt. Tôi biết bà không thể sống. Nhưng sao việc ấy đến nhanh quá. Tôi cầm tay bà, nhưng đôi tay đã giá lạnh. Tôi khóc nức nở: “Bà ơi! Bà! Bà đừng có bỏ con! Bà ơi...!” Nhưng bà đâu còn nghe được nữa. Tôi khóc nhiều lắm. Hình như tôi đã quỳ bên bà, sau đó tôi không còn biết gì nữa.
Đám ma bà tôi đã xong. Cuộc sống gia đình trở lại bình thường. Riêng tôi, tôi không thể quên bà. Bà dành hết tình cảm cho tôi, mong tôi khôn lớn. Giờ đây, trước vong linh bà, tôi mới hiểu hết tình thương bao la của bà. Bà ơi! Con sẽ cố gắng làm theo lời bà dạy để khỏi phụ công bà chăm sóc mười năm.