Truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” đã kết thúc bằng thắng lợi của anh Khoai nhờ có phép lạ của Bụt. Theo em, anh Khoai có xứng đáng được Bụt giúp đỡ như vậy không?

DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG

A. MỞ BÀI:

Văn học dân gian rất quyến rũ chúng ta.

Cây tre trăm đốt là một câu chuyện hay.

B. THÂN BÀI:

(Phát triển cảm nghĩ)

1. Chàng trai mồ côi.

- Thiếu tình thương.

- Phái đi ở, làm thuê và bị lợi dụng.

2. Bị tên phú ông lừa. Vẫn tin rằng mình sẽ có vợ và được hướng hạnh phúc.

3. Phú ông ra điều kiện nghiệt ngã, thực ra là để cướp công và để giễu cợt Khoai.

4. Khoai thất vọng thì có Bụt giúp, không chỉ giúp anh chống lại bọn người điêu trá mà quan trọng hơn là giúp Khoai lấy lại niềm tin với đời. Vì nếu thiếu nó thì không thể nào sống được.

5. Khoai trừng trị kẻ thù y như một kế hoạch sắp sẵn.

Phép lạ của Khoai đã giải quyết mọi bất công và cho Khoai hạnh phúc.

6. Câu thần chú kì lạ đã cho thấy một lũ người tàn ác kêu xin đốn mạt và cho ta nụ cười.

C. KẾT LUẬN:

+ Câu chuyện diễn ra như mong đợi của chúng ta.

- Khoai được hạnh phúc.

- Phú ông bị trừng trị.

+ Nhờ Bụt nhưng quan trọng là nhờ Khoai biết hành động để giành hạnh phúc về mình.

BÀI LÀM

Trong chúng ta, ai là người hạnh phúc được tắm mình trong những lời ru của ca dao dân ca từ thuở ấu thơ? Ai đã đắm mình trong kho tàng cổ tích mà bà mỗi đêm thường kể? Truyện Cây tre trăm đốt đã gây ấn tượng rất sâu sắc từ ngày mà nội ôm em vào lòng thủ thỉ. Em cũng đã nghe lại nó trong chương trình thiếu nhi của Đài tiếng nói Việt Nam. Và mới hôm kia thôi, cô giáo giảng bài, em như nuốt từng lời...

Nhân vật chính trong truyện là anh Khoai, một người nông dân cần cù, chất phác, lương thiện. Anh hiền lành và chân chất như hạt lúa củ khoai vốn là tên anh...

Chàng trai đã thiếu tình thương từ nhỏ. Cũng như cô Tấm, chàng đã sống mồ côi mồ cút và phải đi ở làm thuê cho phú ông để kiếm sống nuôi thân. Anh làm việc rất chăm chỉ và đã đem đến không ít của cải lợi tức cho gia đình chủ. Thấy anh thật thà lại muốn quỵt tiền công của anh, lão phú ông đã lừa anh bằng một lời hứa hờ hững: - “Mày cứ làm việc cho tốt đi, tao sẽ gả con gái út cho”. Cực khổ bao nhiêu năm trời, Khoai không có một đồng dính túi.

Anh rất tin vào lòng tốt của người khác. Anh vẫn “nai lưng dốc cật” ra để làm lụng xứng đáng với món quà vô giá mà trong mơ cũng không có được: Một người nghèo khổ, không tấc đất cắm dùi như anh sẽ được nên duyên với cô út dễ thương và xinh đẹp, con ông chủ.

Thật đáng thương cho anh Khoai, anh đã bị bội thề. Lão ông đã trắng trợn gả con gái Út của mình cho một gã nhà giàu làng bên cạnh. Và để che mắt (hay là giễu cợt) chàng rể “hờ” của mình, lão bảo anh hãy vào rừng chặt Cây tre trăm đốt về vót đũa làm đám cưới. Thật đáng thương cho Khoai, anh đâu hiểu được bản chất tráo trở, lường gạt, vốn là bản chất của những tên phú ông hợm hĩnh và giàu có. Dường như hắn nói cái gì anh cũng tin. Có lẽ con người lao động cần cù vốn tiếp xúc nhiều với thiên nhiên cây cỏ, vốn luôn trong sáng trong mọi suy nghĩ, trong mọi tâm tư tình cảm nên dễ bị những kẻ suốt ngày “ngồi mát ăn bát vàng” lợi dụng chăng?

Thấy anh Khoai hăm hở đi vào rừng với niềm tin là sẽ thực hiện nốt yêu cầu còn lại của phú ông để hưởng hạnh phúc, lòng em không khỏi bùi ngùi cho anh, không khỏi phẫn nộ với những con người ác nhân lừa lọc. Chúng bóc lột người ta bằng mọi cách, nhưng lừa và dụ dỗ người ta bằng gian xảo điêu trá thì thật là đáng căm thù. Chúng không những cướp công lao của anh Khoai mà tàn ác hơn là chúng chà đạp lên niềm tin giữa con người, chúng tước đọat hạnh phúc mà con người như anh Khoai rất xứng đáng được hưởng.

Đi kiếm “Cây tre trăm đốt” suốt ngày trong rừng, anh Khoai mới thấy được lòng dạ của tên nhà giàu. Biết làm sao được trong một xã hội mà người dân lao động “con sâu cái kiến kêu gì được oan?”, chỉ biết tủi thân ngồi khóc. Và điều kì diệu cổ tích đã hiện lên. Bụt kịp thời ra tay để giải cứu tình thế.

Bụt dạy Khoai, và Khoai làm y như lời Bụt nói. Vừa mới khám phá ra sự đau khổ của mình là do lòng tin vào tên phú ông, vậy mà giờ đây anh Khoai lại được phục hồi niềm tin mà anh không còn hy vọng nó có trong cuộc đời. Ôi Bụt thật nhân từ. Bụt không những giúp Khoai lấy được cô út bị tước đoạt, mà quan trọng hơn Bụt giúp anh Khoai lấy lại niềm tin để mà sống vui vẻ, hồn nhiên và hạnh phúc với đời.

Rồi điều kì diệu ấy xảy ra. Y như một kế hoạch đã được định trước. Lũ nhà giàu đã mắc bẫy của Khoai. Phép lạ của Bụt đã làm tụi nó một phen hú vía. Cây tre và câu thần chú của Bụt dạy đã giải quyết sự thất vọng và bất công cho anh Khoai.

Tên nhà giàu không tin có một “Cây tre trăm đốt", nhưng nó đâu nghĩ rằng lòng tốt của con người có thể làm nên những điều kì lạ. Tên nhà giàu chỉ tin rằng anh Khoai khờ dại và dễ bị lừa chứ nó đâu nghĩ rằng Khoai giờ đây không ngu ngơ để cho nó lợi dụng.

Chỉ một câu “Khắc nhập, khắc nhập” mà đã gom tất cả lũ người gian trá, ác đức thành một chuỗi rồng rắn tham sống sợ chết, kêu ca đến buồn cười. Và chỉ một câu “Khắc xuất, khắc xuất” anh Khoai đã đạt được hạnh phúc tuyệt đỉnh là lấy cô Út làm vợ.

Câu chuyện kết thúc đúng như mong đợi của chúng ta. Anh Khoai phải được hạnh phúc và lũ nhà giàu phải bị lột mặt nạ. Âm mưu của chúng đã trở lại “gậy ông đập lưng ông”... Chính nhờ Bụt, anh mới đạt được cái điều anh mơ ước.

BÀI CÙNG NHÓM