M.Sô-lô-khôp là nhà văn lỗi lạc của nước Nga và được coi là một trong những nhà văn xuôi lớn nhất thế kỉ XX. Năm 1957, ông viết tác phẩm Số phận con người mô tả chiến tranh trong bộ mặt thật của nó. Trong khi lên án chiến tranh xâm lược, biểu dương khí phách anh của hùng của nhân dân, nhà văn không ngần ngại nói lên cái giá rất đắt của chiến thắng, những đau khổ tột cùng mà con người phải chịu đựng trong chiến tranh.
Trước hết, ta nhắc lại những nét chính trong cuộc đời của nhân vật Xô-cô- lốp. Khi chiến tranh thế giới nổ ra, anh có những mất mát tưởng như quá sức chịu đựng của mình: một năm chiến đấu bị thương nhẹ hai lần vào tay và chân, tiếp theo đó là hai năm bị đày đoạ trong các trại tù binh Đức,... Năm 1944, sau khi thoát khỏi cảnh nô lệ, Xô-cô-lốp được biết một tin đau đớn: vợ và hai con gái anh đã bị bom của bọn phát xít giết hại, ngôi nhà êm ấm khi xưa của gia đình giờ này chỉ là một hố bom. Niềm hi vọng cuối cùng giúp anh bám víu vào cuộc đời này là A-na-tô-li - một học sinh giỏi toán, đại uý pháo binh, đứa con trai yêu quý đang cùng anh tiến đánh Béc-lin. Và hi vọng cuối cùng đó cũng bị dập tắt: ngày 9-5, một tên thiện xạ Đức đã bắn chết A-na-tô-li. Vì độc lập của dân tộc và sự sống còn của nhân dân, Xô-cô-lốp đã chịu đựng những mất mát ghê gớm. Để chiến thắng phát xít Đức, 25 triệu người dân Xô Viết, non một phần mười dân số khi đó đã hi sinh. Chỉ có khoảng ba phần trăm thanh niên từ mặt trận trở về. Và Xô-cô-lốp đã trở về từ mặt trận với vô vàn những vết thương chiến tranh - trên thân thể và trong tâm hồn, tưởng như không bao giờ còn có thể chữa lành được nữa. Biết như thế để thấy câu chuyện về cuộc đời của An-đrây Xô-cô-lốp khá tiêu biểu và không phải quá hiếm hoi.
Ta thử hình dung xem, điều gì có thể sẽ xảy ra nếu như rơi vào cảnh ngộ bi đát ấy lại là một con người thiếu bản lĩnh? Không phải bom đạn trong chiến tranh mà chính trong sự tuyệt vọng cùng nỗi cô đơn có thể hạ gục con người: rượu chè be bét, đi lang thang như một kẻ tâm thần hay sống câm lặng vô cảm với thế giới xung quanh,...? Biết bao nhiêu vực xoáy nghiệt ngã của số phận đang chờ đợi Xô-cô-lốp ở phía trước và liệu anh có thế vượt qua được hay không?
Kết thúc chiến tranh, khi giải ngũ thì anh không dám trở về quê hương nên anh đã đến chỗ của vợ chồng người bạn ở U-riu-pin-xcơ, xin vào làm việc trong đội xe vận tải. Từ đó, anh sống như một người lao động bình thường. Tất nhiên, anh đã quen với mượn chén rượu để giải sầu: Thường cứ chạy xe xong trở về thành phố, việc đầu tiên cũng dễ hiểu thôi, là tôi vào hiệu giải khát, nhấm nháp chút gì đó và tất nhiên có Uống một li rượu lử người. Phải nói rằng tôi đã quá say mê cái món nguy hại ấy. Như vậy một nguy cơ rình rập anh: ấy là cái vực thẳm của nạn nghiện rượu. Bị rơi vào tình cảnh bi đát như Xô-cô-lốp, người thiếu bản lĩnh dễ rơi vào ngõ cụt bế tắc. Nỗi đau ám ảnh Xô-cô-lốp không dứt. Tất cả vẫn còn nóng hổi, quá mới mẻ. Anh phải chịu đựng sự đau khổ quá sức chịu đựng của một con người bình thường. Không chút lên gân, anh thành thật tâm sự: Và đây là một điều rất kì lạ: ban ngày bao giờ tôi cũng trấn tĩnh được, không hở ra một tiếng thở dài, một lời than vãn, nhưng ban đêm thức giấc thì gối ướt đẫm nước mắt. Lời tâm sự này của anh cho thấy nỗi đau trong lòng anh không lúc nào nguôi ngoai và nó chỉ được biểu hiện trong giấc ngủ, điều đó đã nằm ngoài ý muốn của con người kiên cường như Xô-cô-lốp. Hiểu được như thế ta càng quý trọng Xô-cô-lốp hơn vì anh đã cứng cỏi nuốt thầm giọt lệ để tiếp tục sống.