Hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do Unesco đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để tự khẳng định mình"

“Người không học như ngọc không mài”, bởi vậy, học tập là nhiệm vụ suốt đời của mỗi con người. Tuy nhiên, đối với mỗi người lại có những mục đích học tập khác nhau. UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc - đề xướng mục đích học tập chung cho nhân loại: “Học để biết, học dể làm, học để cùng chung sống, học để tự khẳng định mình”. Người học sinh chúng ta nghĩ gì về mục đích học tập ấy?

“Học” là hoạt động thu nhận kiến thức, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo do người khác truyền lại. Mục đích học tập là yếu tố quan trọng tạo ra động lực thúc đẩy và định hướng cho hoạt động học tập của con người.

Chúng ta cần hiểu mục đích học tập do UNESCO đề xướng như thế nào?

“Học để biết” là mục đích cơ bản nhất của việc học tâp, yêu cầu người học tiếp thu kiến thức. Đó là những hiểu biết cơ bản về tự nhiên và xã hội có liên quan đến cuộc sống con người. “Học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” là những mục đích thể hiện yêu cầu thực hành, vận dụng kiến thức giúp người học từng bước hoàn thiện bản thân.

“Học để làm” là học tập để có khả năng lao động, tạo ra của cải vật chất nuôi sống bản thân và đóng góp cho gia đình, xã hội. Người sinh viên sư phạm học để trở thành người dạy học. Người sinh viên y khoa học để trở thành thầy thuốc. Người học sinh lớp hàn học để trở thành người thợ hàn,... Đó là những công việc đòi hỏi người học vận dụng những gì đã học để tạo ra sản phẩm cho xã hội.

“Học để cùng chung sống” là học để có khả năng hoà nhập với cộng đồng người, tạo ra mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó, bền vững,... với gia đình, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp, ... Trên thực tế, có những người rất thành công trong công việc nhưng không có được mối quan hệ tôt đẹp với những người xung quanh. Họ sống cô đơn, gặp khó khản trong việc trao đổi tâm tư tình cảm với những người thân và bạn bè. Thậm chí, có những người bị người thân, bạn bè xa lánh. Sở dĩ như vậy, bởi họ không học được kĩ năng sống, không biết cách ứng xử, không biết cách thể hiện mình...

“Học để tự khẳng định mình” - học tập để có thể phát huy, bộc lộ những khả năng lớn nhất của bản thân; để được xã hội thừa nhận những khả năng ấy từ đó khẳng định cái tôi cá nhân của mình. Để có thể khẳng định mình trên một lĩnh vực nào đó, người học phải có được những thành tựu xuất sắc. Muôn vậy, việc học không chỉ dừng lại ở mức tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước mà còn cần tiến xa hơn nhiều bước là học sáng tạo. Nghĩa là tạo ra nguồn tri thức mới, những kĩ năng, kĩ xảo mới mang tính đóng góp cho lĩnh vực mình tìm hiểu, nghiên cứu.

Vậy mục đích cuối cùng của việc học là vận dụng được những điều đã học vào cuộc sống để trở thành những người có ích cho xã hội.

Từ mục đích học tập chung do UNESCO đề xướng, thiết nghĩ, người học sinh có thể rút ra cho mình những bài học bổ ích.

Trước hết, trong việc học tập chúng ta cần xây dựng cho mình một mục đích học tập đúng đắn, trong sáng, tiến bộ. Dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, một mơ ước khác nhau nhưng mục đích học tập của mỗi người bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi cá nhân vẫn không thể đi ngược lại lợi ích của gia đình và cộng đồng xã hội. Một mục đích học tập đúng đắn sẽ được người thân và xã hội ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện và nhờ vậy, mục đích đó sẽ nhanh chóng đạt được. Chẳng những vậy, mục đích học tập tiến bộ giông như ánh sáng lí tưởng soi đường để chúng ta có động lực tự thúc đẩy mình học tập.

Trong học tập, chúng ta cần có những cố gắng và nỗ lực thực sự, biết kết hợp “học” với “hành” để vận dụng tốt nhất những điều đã học vào cuộc sống.

Mục đích học tập do UNESCO đề xướng là những mục đích học tập tiến bộ và thực sự phù hợp, thực tế, bám sát những yêu cầu của cuộc sống. Mỗi công dân trên thế giới nói chung và thể hệ người Việt trẻ hôm nay nói riêng nên có sự định hướng chung về mục đích học tập để tạo ra những động lực học tập tốt đẹp góp phần xây dựng và phát triển thế giới.

BÀI CÙNG NHÓM