Bình giảng đoạn thơ sau: "Trong anh và em hôm nay... Làm nên Đất Nước muôn đời" của Nguyễn Khoa Điềm

Hình ảnh Tổ quốc đất nước đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca. Đã biết bao các thi sĩ cách mạng sáng tạo nên những vần thơ đẹp tuyệt vời ca ngợi đất nước trong 4000 năm lịch sử. Với Nguyễn Đình Thi đó là Tổ quốc đau thương dưới gót giày xâm lược đã quật khởi đứng lên chiến thắng huy hoàng. Với Lê Anh Xuân đó là dáng đứng Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân đã tạc vào thế kỷ. Còn Nguyễn Khoa Điềm với chương Đất Nước trong Mặt đường khát vọng (1974) đã cảm nhận sâu sắc đất nước là của nhân dân, đất nước là sự gắn bó giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân với cộng đồng, giữa thế hệ này với thế hệ khác được diễn tả thật sâu sắc qua những vần thơ đầy tính chính luận và trữ tình:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng .

Em ơi em

Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời

Cảm nhận đất nước một cách toàn vẹn, từ nhiều bình diện để làm nổi bật tình cảm và trách nhiệm của cá nhân. Đất nước là sự gắn bó giữa cái riêng và cái chung; giữa cá nhân và cộng đồng; giữa thế hệ này và thế hệ khác: trong anh và em, trong mỗi cá thể đều có một phần Đất Nước. Khi có sự kết hợp giữa các cá thể thì Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm, bền vững và đầy sức sống. Khi chúng ta cầm tay mọi người, liên kết gắn bó với cộng đồng thì Đất Nước vẹn tròn to lớn, có sức mạnh và tầm vóc vĩ đại. Thế hệ sau con ta lớn lên sẽ mang đất nước đi xa đến những tháng ngày mơ mộng, đến những tương lai tươi đẹp hơn, huy hoàng hơn hôm nay.

Từ sự cảm nhận nói trên về đất nước, tác giả bày tỏ thái độ đầy trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ, xây dựng cho đất nước bền vững muôn đời: Đất Nước là máu xương mình, là sinh mệnh của mình. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên:

Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt

Như mẹ, như cha, như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông

Vì thế, chúng ta phải biết quý, biết yêu, phải bảo vệ, phải gắn bó san sẻ, hy sinh cái riêng cho cái chung như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Nếu là con chim chiếc lá

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?

Xuất phát từ quan niệm nhà Phật (hoá thân), tác giả đã chứng minh chính nhân dân đã hoá thân thành đất nước, thành những hòn Vọng Phu, hòn Trống Mái... những thắng cảnh, những di tích, những tượng đài vĩnh cửu, tạo thành non sông, gấm vóc, vẻ đẹp tâm hồn, văn hoá Việt Nam đã hóa thân cho dáng hình xử sở làm nên Đất Nước muôn đời:

Anh đi bộ đội sao trên mũ

Mãi mãi là sao sáng dẫn đường

Em sẽ là hoa trên đỉnh núi

Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm

(Vũ Cao)

Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm

Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ

Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị

Thân hy sinh thơm đất, thơm trời

(Nguyễn Đức Mậu)

Các cô để lại tuổi thanh nỉèn

Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi

Cho đất nước, quê hương

Hồn trong như suối

Bình minh đời sáng rực vừng dương...

(Huy Cận)

Em nằm dưới đất sâu

Như khoảng trời đã nằm yên trong đất

Đêm đêm tâm hồn em toả sáng

Những vì sao ngời chói, lung linh

Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong

Đã hoá thành những làn mây trắng

(Lâm Thị Mỹ Dạ)

Với mười ba câu thơ trên tác giả sử dụng linh hoạt thể thơ tự do, có phần phóng túng, phù hợp với tình cảm, mạch suy tư. Từ Đất Nước được lặp lại sáu lần và viết hoa, càng tăng thêm sự tôn kính, thiêng liêng. Những đại từ anh, em rồi chúng ta đặt đúng lúc, đúng chỗ đã thể hiện được mối quan hệ riêng - chung hài hoà. Đoạn thơ đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn cảm xúc và suy nghĩ, chính luận và trữ tình.

 

BÀI CÙNG NHÓM