Ơ-nix Hê-ming-uê (1899 - 1961) là nhà văn Mĩ đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây và góp phần đổi mới lối viết truyện, tiểu thuyết của nhiều thế hệ nhà văn trên thế giới nói chung. Người thanh niên ấy bước vào đời với nghề viết báo và làm phóng viên mặt trận cho tới kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tác phẩm chính: Mặt trời vẫn mọc (1926), Giã từ vũ khí (1929), chuông nguyện hồn ai (1940), Trong thời đại chúng ta (1925),...
Ông già và biển cả (1952) ra mắt bạn đọc trước khi Hê-ming-uê được nhận Giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1954, là một kết tinh tiêu biểu của những nét mới mẻ trong lối kể chuyên của Hê-ming-uê. Truyện kể lại ba ngày hai đêm ra khơi đánh cá của ông lão Xan-ti-a-gô. Trong khung cảnh mênh mông trời biển, chỉ có một mình ông lão, khi chuyện trò với mây nước, chim cá, khi đuổi theo con cá lớn, khi đương đầu với đàn cá mập đang xông vào xâu xé con cá kiếm của lão, để rốt cục, kéo vào bờ một con cá chỉ còn trơ xương... Thời gian, nhân vật dường như được thu hẹp đến mực cực hạn, nhưng câu chuyện cực kì đơn giản ấy lại gợi mở nhiều tầng ý nghĩa cho người đọc: một cuộc tìm kiếm con cá lớn nhất, đẹp nhất đời, hành trình nhọc nhằn và dũng cảm của người lao động trong một xã hội vô tình, thể nghiệm về thành công và thất bại của người nghệ sĩ đơn độc khi theo đuổi ước mơ sáng tạo, rồi trình bày nó trước mắt người đời, mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên,...
Bởi vậy, đúng như hình ảnh về tác phẩm nghệ thuật mà Hê-ming-uê đã từng so sánh và phấn đấu để sáng tạo, tác phẩm này giống như một tảng băng trôi. Ông già và biển cả xuất hiện trên phần nổi của ngôn từ không nhiều, lối viết giản dị song phần chìm của nó rất lớn, bởi đã gợi lên nhiều tầng ý nghĩa mà người đọc sẽ rút ra được tùy theo thể nghiệm và cảm hứng trước hình tượng đó là biểu hiện của nguyên lí sáng tác do nhà văn đề ra: tác phẩm nghệ thuật như một tảng băng trôi.