Phân tích ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng tiếng đàn ghi ta trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor - ca của Thanh Thảo

Thanh Thảo là một cây bút luôn nỗ lực để cách tân thơ, kiếm tìm những cách biểu đạt mới. Một mặt, ông tìm kiếm chất người ở những nhân cách thanh cao, bất khuất, những tâm hồn phóng khoáng, yêu tự do. Mặt khác, ông không ngừng tìm tòi thể nghiệm để làm mới hình thức biểu đạt của thơ, ảnh hưởng từ những trường phái thơ tượng trưng, siêu thực trong văn học phương Tây. Tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác đó là bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, được rút từ tập Khối vuông ru-bích (1985). Bài thơ lấy cảm hứng trực tiếp từ những phút đầy bi phẫn nhất trong cuộc đời Gar-xi-a Lor-ca: Lor-ca là một thiên tài - nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà hoạt động sân khấu người Tây Ban Nha - đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỉ XX. Ông bị phát xít Phrăng-cô giết trong thời gian đầu của cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Cái chết của Lor-ca không chỉ gây chấn động lớn ở Tây Ban Nha mà còn với toàn thế giới, không chỉ lúc bấy giờ mà còn âm vang tới nhiều năm sau. Thanh Thảo muốn phục sinh thời khắc bi tráng đó, tỏ thái độ ngưỡng mộ đau xót và xây dựng biểu tượng nghệ thuật Lor- ca qua hình ảnh quen thuộc mà độc đáo - đàn ghi ta. Âm thanh của tiếng đàn trong bài thơ chính là một sáng tạo độc đáo của Thanh Thảo, có ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc cho hình tượng Lor-ca, cho tình yêu nghệ thuật và khát vọng cách tân nghệ thuật của người nghệ sĩ tài danh Tây Ban Nha.

Mở đầu bài thơ là âm thanh tiếng đàn được diễn tả bằng ngôn từ lạ: những tiếng đàn bọt nước. Câu thơ này đã chuyển cảm giác từ thính giác sang thị giác rất ấn tượng,.gợi sức hấp dẫn kì lạ của tiếng đàn Lor-ca. Đây là thứ âm thanh có hình, có khối, dường như tròn trịa, trẻ trung, nhảy nhót; mong manh những không dễ bị tiêu diệt (lúc tan, lúc hiện nhưng tan rồi lại hiện). Đó là cảm nhận rất riêng của Thanh Thảo về tiếng đàn của Lor-ca. Chính Thanh Thảo từng nói: ai nghĩ, bọt nước sẽ biến mất không để lại dấu vết là nhầm. Bọt nước lúc hiện lúc tan, nhưng tan rồi lại hiện. Nó mỏng manh nhưng không bị tiêu diệt.

Những tiếng đàn bọt nước cùng áo choàng đỏ gắt, miền đơn độc, vầng trăng chếnh choáng, yên ngựa mỏi mòn đã gợi lên cuộc hành trình đơn độc của người nghệ sĩ Lor-ca đang đấu tranh cho cái mới. Đây là những hình ảnh biểu tượng, không có hình ảnh con người nhưng bóng dáng con người hiện ra rất rõ nét qua hình ảnh, âm thanh, màu sắc, trạng thái,... Tất cả chúng đã tạo thành một trường nghĩa chỉ sự mệt mỏi, bất lực, bồn chồn không yên của con người khi đối diện thực sự với cái bản chất phong phú vô tận của cuộc sống. Tất cả kết hợp với nghệ thuật láy âm li-la li-la li-la (hợp âm của tiếng đàn ghi ta) đã gợi lên hình ảnh bông hoa buồn của phút chia li, gợi chuyến đi thăm thẳm và đơn độc của người nghệ sĩ với những thế lực tàn bạo, hà khắc.

Giây phút bi phẫn nhất trong cuộc đời Lor-ca được tái hiện thật ngắn gọn và đặc sắc: tiếng hát nghêu ngao - tiếng hát vô tư, vô hại lại đưa hậu quả tàn khốc: áo choàng bê bết đỏ. Sự bất công này, tội ác này nằm ngoài cái đẹp, không bao giờ thuộc về cái đẹp nên làm sao Lor-ca hiểu được ? Phản ứng của chàng {kinh hoàng và đi như người mộng du) là nỗi xót xa ngàn đời trước tình thế không thể tự vệ của những người nghệ sĩ như chàng khi bị điệu về bãi bắn. Nhịp điệu điệu đứt gãy của những câu thơ này làm bùng nổ cảm xúc ở người đọc, nó nén một tiếng kêu bi phẫn không sao cất thành lời chính vì cái vẻ mộng du kia.

Trước sự kiện thảm khốc ấy, Thanh Thảo đã diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác, qua hệ thống những âm thanh vỡ ra thành màu sắc (nâu, xanh), thành hình khối (tròn), thành sinh mệnh {ròng ròng / máu chảy)’, tiếng ghi ta nâu bầu trời cô gái ấy tiếng ghi ta lá xanh biết mấy tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy

Tiếng ghi ta nâu trầm tĩnh suy tư. Màu nâu là màu của đất, của quê hương, màu của vỏ đàn ghi ta,... gợi nỗi niềm hướng về quê hương và gợi nhắc nghệ thuật Lor-ca gắn bó với cuộc đời, với thiên nhiên. Tiếng ghi ta lá xanh thiết tha, hi vọng. Ở đây, âm thanh đã được cảm nhận qua sắc màu, màu của sự sống tươi đẹp, gợi niềm yêu tha thiết cuộc sống của Lor-ca. Hai tiếng biết mấy thốt lên như sự tiếc nuối ngậm ngùi cho một vẻ đẹp đang bị tàn phá. Còn tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan bàng hoàng, tức tưởi: nó mỏng manh, trong suốt và dễ tan biến, âm thanh đã được diễn tả thành hình khối. Và tiếng ghi ta ròng ròng / máu chảy đau đớn, nghẹn ngào đã diễn tả nỗi đau đớn của Lor-ca khi phải chịu cái chết oan khuất, đau thương như nàng Kiều của Nguyễn Du xưa bị ép đàn cho Hồ Tôn Hiến:

Một cung gió thảm mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay

Tất cả những hình ảnh hoán dụ này đã gợi ra cảnh Lor-ca bị hành hình, đột ngột, bất ngờ, khiến Lor-ca kinh hoàng, người Tây Ban Nha kinh hoàng và cả thế giới kinh hoàng. Điều đó thể hiện số phận bi thảm, bi kịch của người nghệ sĩ cách tân trong thời đại rối ren, bạo tàn. Và mỗi khi hồi tưởng lại cảnh tượng thảm khốc ấy, Thanh Thảo lại như nghe và cảm nhận thấy âm thanh của tiếng đàn ghi ta. Chính vì vậy, tiếng ghi ta được điệp lại và mở đầu những dòng thơ như đã diễn tả được cảm xúc mãnh liệt và đa chiều về cái chết của thiên tài người Tây Ban Nha.

Lor-ca đau đớn hơn khi người ta không hiểu được thông điệp tư tưởng của ông: khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn. Vì người ta không chôn cất tiếng đàn nên tiếng đàn tràn lan như cỏ mọc hoang. Vậy thì Lor-ca phải vĩnh viễn giã từ, phải giải thoát cho người ta khỏi cái bóng của mình, để họ mạnh mẽ trên con đường của nghệ thuật và tự do:

Không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

Ở đây, Lor-ca không hiện diện mà chỉ có sự hiện diện của tiếng đàn. Nó trở thành biểu tượng của tâm hồn Lor-ca, trái tim Lor-ca. Không ai chôn cất tiếng đàn và dù muốn chôn cũng không được, bởi đây là tiếng đàn - một giá trị văn hóa tinh thần chứ không phải là một cây đàn vật thể. Tiếng đàn ấy sẽ trường cửu cùng tự nhiên và hơn thế, bản thân nó là tự nhiên, nó vẫn không ngừng vươn lên, lan tỏa ngay khi người nghệ sĩ sáng tạo ra nó đã chết. Cây đàn cũng như cuộc đời Lor-ca, chỉ có giá trị khi gắn với Lor-ca, còn khi Lor-ca không còn nữa thì sự sống của cây đàn, của sự sáng tạo nghệ thuật cũng chấm dứt. Nếu ai đó muốn sử dụng lại cây đàn thì cũng chỉ tạo ra một sự lặp lại, đơn điệu và nhàm chán, không mấy giá trị mà thôi. Chôn cất tiếng đàn không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn quá khứ mà chỉ ra quá khứ là cái truyền thống mà tương lai phải nối tiếp và nhân lên. Còn câu thơ thứ hai mở ra nhiều lối diễn dịch: nỗi xót thương trước cái chết của một thiên tài; là nỗi tiếc nuối hành trình cách tân dang dở không chỉ với bản thân Lor-ca mà còn với nền văn * chương Tây Ban Nha. Bởi lẽ, nhà cách tân Lor-ca đã chết, nghệ thuật thiếu vắng kẻ dẫn đường. Nghệ thuật thành thứ cỏ mọc hoang. Đưa cỏ vào ý thơ này, Thanh Thảo muốn bất tử hóa tiếng đàn Lor-ca, nghệ thuật Lor-ca, nhân phẩm của Lor-ca. Đấy là cái đẹp không thể hủy diệt, nó sẽ sống, sẽ còn được truyền tụng mãi, giản dị và kiên cường như cỏ mọc hoang.

Điều thú vị và bất ngờ nhất là Thanh Thảo đã cấy, đã khảm vào mạch thơ chuỗi âm thanh li-la li-la li-la. Nó như một cú vê ghi ta của nhạc công khi đệm cho người hát ca khúc. Chuỗi âm thanh mở đầu - như phần dạo đầu - đánh dấu khoảng ngắt cho người hát bắt đầu trình diễn ca khúc. Rồi chuỗi âm thanh đó lại khép lại bài ca. Nó tựa như tiếng đàn cuối cùng tạo dư âm sau khi lời hát đã ngừng. Nó có ý nghĩa như khúc ca của Thanh Thảo tiễn Lor-ca vào cõi bất tử. Hơn nữa, li-la còn là một tên gọi khác của loài hoa Tử đinh hương - loài hoa có màu tím được người phương Tây ưa chuộng. Chuỗi âm thanh liên tiếp gợi hình ảnh những bông hoa Tử đinh hương nở liên tiếp. Đó là hoa của Thanh Thảo, hoa của người đời thầm kính viếng hương hồn Lor-ca, hay đó là những đóa hoa thể hiện sự sống đang nảy nở từ cái chết đau thương của Lor-ca, hay là những đóa hoa thể hiện sự sống bất diệt của nghệ thuật Lor-ca?

Tiếng đàn ghi ta là sự hòa kết của rất nhiều trạng thái cảm xúc. Trước hết, đó là cảm xúc của Lor-ca. Cuộc đời Lor-ca như tiếng ghi ta, nhũng âm thanh, những cung bậc của nó khi réo rắt về niềm yêu đời tha thiết, khi hùng tráng mạnh mẽ về những ngày tháng chiến đấu sôi nổi, khi trầm lắng, đau buồn về khoảnh khắc phải chia lìa sự sống. Ngoài ra, những âm thanh ấy cũng là âm thanh biểu hiện dòng cảm xúc mãnh liệt của tác giả. Tác giả đã sống cùng với những khoảnh khắc cận kề cái chết của Lor-ca, niềm tiếc thương đau đớn, chua xót; sự ngưỡng mộ, tôn vinh,... được đan kết hài hòa vào những cung bậc âm thanh của tiếng đàn ghi ta. Có thế nói, tiếng ghi ta là ẩn dụ, hay nói đúng hơn là bài ca về cuộc đời, số phận và cái chết của Lor-ca. Cuộc đời của con người ấy như tiếng đàn ghi ta với âm thanh trong trẻo làm lay động lòng người.

BÀI CÙNG NHÓM