A. DÀN BÀI
1. Mở bài
Nguyễn Minh Châu là một trong những tác giả tiêu biểu của nền văn học Việt Nam thời kì chống Mỹ. Sau 1975, ông cũng là nhà văn đi đầu trong việc kiếm tìm sự đổi mới trong văn chương. Dầu vậy, quan niệm nghệ thuật của nhà văn vẫn là sự đi sâu khám phá những vẻ đẹp trong tâm hồn con người. Mảnh trăng cuối rừng tuy viết vào thời kì chống Mỹ nhưng đã thể hiện sự tìm tòi đó. Trong tác phẩm, hình tượng mảnh trăng chiếm một vị trí khá đặc biệt.
2. Thân bài
- Mảnh trăng được lấy làm tựa đề của truyện ngắn. Đó là một sự lựa chon có chủ ý cùa tác giả.
- Mảnh trăng gợi ra một không gian, thời gian riêng cho câu chuyện tình của Nguyệt và Lâm, càng khiến cho mối tình ấy thêm màu huyền ảo, lãng mạn.
- Mảnh trăng là hình tượng nghệ thuật sóng đôi cùng với hình tượng nhân vật Nguyệt. Đó là hình ảnh có thật (trong bối cảnh), nhưng cũng là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn, vẻ đẹp của Nguyệt.
+ Khi sóng đôi cùng hình tượng Nguyệt, mảnh trăng soi sáng và tôn vẻ đẹp của nhân vật lên.
+ Khi tương phản với bối cảnh ác liệt của cuộc chiến (chiếc cầu Đá Xanh bị sụp đổ), mảnh trăng biểu tượng cho sức sống, sự bất diệt của con người Việt Nam.
- Nhà văn đã lấy một hình ảnh có thực (mảnh trăng) để biểu hiện tư tưởng - thẩm mĩ của mình. Do đó, hình tượng mảnh trăng vừa rất thực lại vừa rất tượng trưng.
3. Kết bài
Mảnh trăng cuối rừng là tác phẩm văn học phản ánh hiện thực của cuộc chiến tranh thời chống Mỹ nhưng mang đậm cảm hứng lãng mạn. Đó là cảm hứng về vẻ đẹp và sức sống của con người Việt Nam. Nguyễn Minh Châu đã thành công khi xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật độc đáo – mảnh trăng - để góp phần biểu hiện vẻ đẹp tư tưởng ấy.
B. BÀI LÀM
Truyện ngắn ấy lúc đầu có tên Mảnh trăng (in trong tập Những vùng trời khác nhau, 1970), sau này, khi được chọn vào các tuyển tập truyện ngắn của nhiều tác giả mới có tên là Mảnh trăng cuối rừng. Việc thêm vào tên truyện hai chữ đã xác định rõ hơn về một không gian cụ thể của câu chuyện. Nhưng trước sau thì Nguyễn Minh Châu vẫn giữ lại trong tên truyện yếu tố quan trọng nhất: hình ảnh mảnh trăng. Nên chú ý là mảnh trăng mà không phải vầng trăng. Vầng trăng thì rõ ràng quá và thường gợi nghĩ về sự tròn đầy, chẳng còn bị khuất lấp mà phải tìm kiếm nữa. Đằng này lại là mảnh trăng, mà hơn thế, mảnh trăng ở nơi cuối rừng, nó như lẩn khuất đâu đây, rất dễ chìm lấp vào trong rừng già đại ngàn kia, chập chờn ẩn hiện, gần đấy mà như còn xa vời, gợi sự kiếm tìm. Đọc truyện, mới càng thấy Nguyễn Minh Châu đã tìm cho truyện một cái tựa đề đích đáng. Không rõ cái tên ấy đến trước hay chỉ đến sau khi truyện đã hoàn thành, nhưng nó đã có như không thế nào khác được, không thế nào đúng hơn.
Giả sử ta thử bỏ hết những ánh trăng, những đoạn tả trăng trong truyện này đi, cái gì sẽ xảy ra? Cốt truyện không có gì bị mất, kể cả các tình huống lí thú bất ngờ là cuộc gặp gỡ giữa anh lái xe và cô gái đã tự nguyện đính uớc với anh, vẫn cứ có thể xảy ra theo sự sắp xếp rất khéo của tác giả; còn những chuyện cứu xe, những hành động dũng cảm của cô gái thì càng chẳng bị ảnh hưởng gì (những chi tiết tạo ra chủ đề về tinh thần dũng cảm của cô gái Trường Sơn như thế này thì có thể gặp ở nhiều truyện ngắn, truyện dài về đường Trường Sơn trong những năm chống Mỹ). Nhưng mất đi cái ánh trăng mơ hồ, huyền ảo kia thì truyện ngắn này cơ hồ mất hết cả không khí và sự gợi cảm đầy chất thơ của nó, mọi chi tiết, các nhân vật và câu chuyện tình của họ sẽ trở nên rõ ràng một cách... nhạt nhẽo và không sao có thể bay bổng lên được. Ánh trăng quả là tạo ra một không gian riêng, một “không khí” riêng bao bọc lấy câu chuyện và tắm đẫm nhân vật chính - Nguyệt - trong cái ánh sáng trong trẻo, huyền ảo của nó.
Trong cái thế giới đặc biệt ấy, cái đẹp hiện ra rạng rỡ hơn, lung linh hơn và mở ra cả những chiều sâu thẳm cơ hồ chưa thể với tới được.
Đọc kĩ hơn thì thấy thực ra trăng không phải xuất hiện ngay từ đầu truyện và cũng không xuất hiện khi cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật kết thúc, nó chỉ hiện ra trong thời gian vừa đủ cần thiết trên hành trình chuyến xe của Lâm và Nguyệt. Trăng xuất hiện từ lúc nào? Nó hiện ra khi anh lái xe vừa biết tên cô gái là Nguyệt và mời cô lên cabin ngồi ngay cạnh mình, nhưng trong lòng anh ta vẫn phân vân không hiểu cô có phải là người đang chờ đợi mình đó chăng? Anh chợt nhận ra ánh trăng bên ngoài vào đúng lúc ấy, mà thoạt đầu còn lầm tưởng là ánh pháo sáng nữa kia (nhìn rộng ra thì sự giải tỏa những “lầm tưởng” chính là một nét quan trọng của chủ đề truyện ngắn này). Đúng ra thì trăng đã có trên bầu trời từ đầu hôm, nhưng với anh lái xe, thì mãi đến lúc này trăng mới hiện ra, còn trước đó anh đâu có thấy: “Hôm nay đầu tháng. Từ đầu hôm tôi đi giữa ánh trăng mà không biết”. Đây là một chi tiết thú vị đầy ngụ ý.
Ánh trăng đã hiện ra, gần ngay bên ngoài cửa xe nhưng vẫn cứ chập chờn lay động qua tấm kính xe ướt sương đêm. Có lúc lại bị chìm khuất đi đâu trong những khoảng tối mịt của rừng già, trăng lúc ẩn lúc hiện như “một trò ú tim” (Cốt truyện của Mảnh trăng cuối rừng cùng chính là một “trò ú tim” trong chiến tranh đó thôi).
Cùng với trăng là màn sương trắng xóa lan ra phủ kín cả mặt đất, chiếc xe chạy trên lớp sương bồng bềnh, và anh lái xe như cũng bồng bềnh trong rnột tâm trạng lạ lùng giữa hư và thực. Trên cao, chiếm lĩnh cả bầu trời đêm là mảnh trăng bạc và ánh sáng của nó tỏa ra trong vắt: mảnh trăng khuyết đứng yên ở cuối trời, sáng trong như một mảnh bạc. Đến đây thì giây phút trọng yếu nhất với anh lái xe đã xảy ra. Ánh trăng từ bên ngoài đã nhập vào trong cửa xe và hòa nhập với hình ảnh cô gái: “Khung cửa xe phía cô gái ngồi lồng đầy bóng trăng. Không hiểu sao, lúc ấy, như có một niềm tin vô cớ nhưng chắc chắn từ trong không gian ùa tới tràn ngập cả lòng tôi. Tôi tin chắc người con gái đang ngồi cạnh mình chính là Nguyệt, chính là người mà chị tôi thường nhắc đến...”. Sự mách bảo đột ngột của trực giác, của vô thức đã đi trước cả lí tính và dường như là không hề giải thích được. Đúng lúc ấy, trong tâm trạng ấy, anh đã nhận ra vẻ đẹp lạ lùng của cô gái - vẻ đẹp tâm hồn hiện ra hòa vào vẻ đẹp của chân dung, khuôn mặt ngời lên trong ánh trăng. Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt, làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên vẻ đẹp lạ thường và sâu thẳm, người con gái ở bên anh, giây phút ấy sẽ in dấu trong tâm hồn của anh, đi vào tiềm thức của anh, theo anh mãi mãi trong cuộc đời.
Ta chợt nhớ đến cái vầng trăng - một nửa xót xa và u ẩn của một thi sĩ - họa sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh - anh Hoàng Hữu: “Một nửa vầng trăng thôi, một nửa... Ai bỏ quên lặng lẽ sáng trên trời”. Đó là vầng trăng của sự tiếc nuối, của nỗi buồn vì những gì đẹp nhất đã mất đi, đã bị “bỏ quên” đâu đó... Mảnh trăng của Nguyễn Minh Châu cố nhiên là khác, nhưng nó cũng là cái đẹp mà không dễ gì nắm bắt được, cảm nhận được và không gì sâu thẳm hơn cái đẹp ấy. Nguyễn Minh Châu có lần đã nói về tư tưởng trong sáng tác của anh những năm chiến tranh là “gắng đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Cái đẹp của nữ nhân vật chính của truyện ngắn này cũng chính là một “hạt ngọc” ẩn giấu, đã được nhận ra vào cái giây phút bất ngờ ấy, trong ánh trăng dịu dàng và ngời ngợi. Cái đẹp như thế, không phải ai và lúc nào cũng nhận ra được...