Trình bày những nét chính về sự nghiệp văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, là người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam; đồng thời là một nhà văn hóa lớn. Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, có một di sản đặc biệt để lại cho dân tộc, đó là sự nghiệp văn học. Sự nghiệp sáng tác của Người tập trung chủ yếu trên ba lĩnh vực là văn chính luận; truyện, kí và thơ ca.

Văn chính luận của Người chủ yếu là được viết ra nhằm mục đích đấu tranh chính trị, tấn công trực diện vào kẻ thù hoặc thể hiện những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc qua những chặng đường lịch sử. Quá trình sáng tác văn chính luận của Người được chia làm hai giai đoạn sáng tác là đầu thế kỉ XX và giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám 1945. Từ những năm 20 của thế kỉ XX, các bài văn chính luận như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) và những bài báo bằng tiếng Pháp với bút danh Nguyễn Ái Quốc đã được đăng trên các tờ báo của Pháp như Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền,... Các tác phẩm này thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ, tập trung lên án chế độ thực dân Pháp, tố cáo chính sách cai trị và bóc lột vô nhân đạo của Pháp ở các nước thuộc địa, kêu gọi nhân dân các dân tộc thuộc địa đoàn kết, liên hiệp lại, vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chính vì vậy, các tác phẩm này đã có tác động mạnh mẽ và gây được những ảnh hưởng lớn đến công chúng Pháp cũng như nhân dân các nước thuộc địa. Từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, những tác phẩm chính luận của Người thường bám sát từng chặng đường cách mạng, thể hiện những sự kiện, những nhiệm vụ chính trị trọng đại của đất nước. Những tác phẩm là Tuyên ngôn Độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966),... Đây là những tác phẩm mang hơi thở và tiếng gọi của non sông vì được viết trong những giờ phút thử thách đặc biệt của dân tộc trước những xâm lăng của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Văn phong hào sảng, tha thiết làm rung động hàng triệu trái tim yêu nước, đồng thời thể hiện lòng yêu nước và tình cảm thiết tha với đồng bào, đồng chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, những áng văn chính luận của Hồ Chí Minh là những áng văn bất hủ giàu tính trí tuệ, tính nhân văn và mang tính thời sự.

Trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng tác một số truyện ngắn và bút kí bằng tiếng Pháp như Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923), Những trò lồ hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925),... Nội dung chủ yếu nhằm tố cáo tội ác vô nhân đạo của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động Việt Nam và các nước

thuộc địa, đề cao những tấm gương yêu nước và cách mạng. Thời kì sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bác viết một số tác phẩm hồi kí có tính chất tự truyện như Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963) với bút danh T.Lan, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch (1964) với bút danh Trần Dân Tiên,... Đó là những sáng tác đặc sắc, mang một phong cách cá nhân giàu tính sáng tạo, lạc quan và hàm nghĩa dự báo. Nhìn chung, truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc cô đọng, cốt truyện sáng tạo, kết cấu độc đáo. Mỗi truyện đều có những tư tưởng riêng, hấp dẫn, sáng tỏ, ý tưởng thâm thúy, chất trí tuệ được gửi gắm trong các hình tượng văn học.

Ngoài văn chính luận, truyện và kí thì thơ ca là lĩnh vực nổi bật nhất trong sáng tạo văn chương của Hồ Chí Minh. Người đã có những đóng góp quan trọng cho nền thơ ca Việt Nam và được tôn vinh là Nhà thơ lớn của dân tộc. Trên dưới 250 bài thơ đã được tuyển chọn và in trong ba tập là Nhật kí trong tù (133 bài), Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (36 bài), Thơ Hồ Chí Minh (86 bài). Ba tập thơ phản ánh một cách khá phong phủ tâm hồn và nhân cách cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong đó, Nhật kí trong tù là thơ tiêu biểu nhất trong di sản thơ ca Hồ Chí Minh. Tác phẩm có tính chất nhật kí này được viết khi Người bị giam cầm tại các nhà tù Tưởng Giới Thạch ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) từ tháng 8 - 1942 đến 10 - 1943. Một mặt, tác phẩm cho thấy hình ảnh chân thật, tỉ mỉ về bộ mặt tàn bạo của chế độ nhà tù Quốc dân đảng và một phần hình ảnh xã hội Trung Quốc thời kì đó; mặt khác, tác phẩm là bức chân dung tự họa chân thật về một con người với một nghị lực phi thường, luôn khao khát tự do, một lòng hướng về Tổ quốc và phong trào cách mạng, một con người có tâm hồn rộng mở, đầy lòng thương yêu con người và rất nhạy cảm với những rung động tinh tế trước thiên nhiên, tạo vật. Ngoài ra, Người còn có những bài thơ chữ Hán và tiếng Việt viết trong kháng chiến chống Pháp với các mục đích khác nhau như nhằm tuyên truyền với các bài nôm na, dân dã (Ca dân cày, Ca công nhân, Hòn đá to,...), hay viết theo cảm hứng nghệ thuật (Tức cảnh Pác Bó, Nguyên tiêu, Cảnh khuya,...),... mang đậm màu sắc cổ điển và hiện đại, làm nổi bật hình ảnh một con người luôn mang nặng nỗi lo việc lớn của nước nhà nhưng luôn hòa hợp với thiên nhiên, ung dung tự tại, làm chủ tình thế và tin tưởng vững chắc vào tương lai tươi sáng, mặc dù cuộc kháng chiến trước mắt còn biết bao gian nan, thử thách.

BÀI CÙNG NHÓM