Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc... Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương

Đề bài:

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên:

Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc

Xứ thiêng liêng, rừng núi đã anh hùng

Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất

Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân,

Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa

Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường

Con đã đi nhưng con cần vượt nữa

Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

Con nhớ anh con, người anh du kích

Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn

Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách

Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con.

Con nhớ em con, thằng em liên lạc

Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ

Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc

Mười năm tròn! Chưa mất một phong thư.

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc

Năm con đau, mế thức một mùa dài

Con với mế không phải hòn máu cắt

Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi.

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch

Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng

Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương.

(Trích bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Văn học 12, Tập 1, Nxb. Giáo dục,

2000, tr.120 - 121)

Gợi ý làm bài

Đoạn thơ gồm 9 khổ, nằm ở phần hai của bài thơ. Các khổ thơ này thể hiện khát vọng về với Tây Bắc, nơi có cuộc kháng chiến anh hùng, về với nhân dân đậm đà tình nghĩa. Có thể phân tích hai khổ đầu (cảm xúc chung của nhà thơ khi nghĩ về Tây Bắc) và bảy khổ còn lại (cảm xúc, suy nghĩ của tác giả khi nhớ đến những kỷ niệm cụ thể về Tây Bắc).

I. Hai khổ đầu:

Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc

...

Cho con về gặp lại Mẹ yêu thương.

- Nhớ về Tây Bắc, nhắc đến Tây Bắc, cảm xúc đầu tiên của Chế Lan Viên là nghĩ đến một vùng đất thiêng của Tổ quốc, nơi có biết bao kỳ tích anh hùng. Đây cũng là suy nghĩ của nhiều nhà thơ đương thời đặc biệt là Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc ra đời ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc. Song, với Chế Lan Viên, khi đã có một khoảng lùi nhất định về thời gian (6 năm), nhà thơ nhấn mạnh đến dự hy sinh to lớn của nhân dân ở Tây Bắc:

Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đá

Thông thường, người ta hay viết “máu đào thấm đất”. Chế Lan Viên, một nhà thơ suy tưởng, viết giàu tính biểu trung hơn: máu rỏ tâm hồn ta thấm đất. Câu thơ trở thành một lời nhắc nhở đến sự hy sinh to lớn ấy, máu thấm đất, nhưng máu cũng đã thấm cả hồn người, nhất là với những ai đang mang bao ân tình sâu nặng với Tây Bắc.

- Vì Tây Bắc là xứ thiêng liêng, núi rừng anh hùng, là nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất, nên Tây Bắc còn là nơi bắt đầu, thắp sáng ngọn lửa, nơi soi đường cho con người. Tây Bắc không chỉ là quá khứ. Tây Bắc còn là nơi để con người soi mình và đi tới. Do đó, lên Tây Bắc là về với cội nguồn, về với dân tộc và nhân dân.

II. Các khổ thơ tiếp

- Sau những suy ngẫm chung, khái quát về Tây Bắc, nhà thơ trở về với vùng đất xưa, dù có thế chỉ là trong tâm tưởng:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

Đây là cuộc trở về của tình cảm, trở về với trái tim được nhà thơ diễn tả bằng một loạt các hình ảnh thân thương: nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa, trẻ thơ đói lòng gặp sữa. Những hình ảnh cụ thể ấy nhằm diễn tả một suy tưởng lớn: trở về với nhân dân là trở về với cội nguồn, trở về để có được niềm vui, hạnh phúc.

- 6 khổ liên tiếp được Chế Lan Viên dùng để hồi tưởng về những con người, cánh vật Tây Bắc. Các hình ảnh rất cụ thể: người anh du kích, em bé liên lạc, người mẹ (mế), người em...mỗi con người, khi nhớ đến, nhà thơ luôn gắn với những kỷ niệm của riêng mình. Kỷ niệm nào cũng thiết tha, sâu nặng tình nghĩa: người anh du kích trước khi hy sinh đã cởi áo lại cho con, thằng em Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ, người mẹ Năm con đau mế thức một mùa dài. Nghĩa tình ấy mỗi khi nhắc nhớ lòng ai không khỏi trào dâng bao cảm xúc, làm sao có thê quên được. Mà không phải chỉ có kỷ niệm với ba con người cụ thể ấy. Từng tấc đất, từng cánh rừng Tây Bắc, nơi đâu không là đất nhớ? Nhà thơ nâng lên thành một hình tượng biểu trưng hơn:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Khổ thơ, đặc biệt là hai câu cuối từ lâu đã thành một châm ngôn, một triết lý mới. Đất là đất, những đất cũng là tâm hồn khi nơi đó mãi mãi là cõi nhớ, là ngọn nguồn của tình yêu, sự sống của con người!

- Hai khổ thơ còn lại tuy tiếp tục mạch hồi tưởng và suy tư về Tây Bắc, với những con người cụ thể nhưng giọng thơ chợt như chùng xuống. Cũng nhớ về một con người, nhưng nhà thơ dành đến 8 câu thơ:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch

Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng

Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương.

Phải chăng vì đây là nỗi nhớ của tình yêu? Hình ảnh, màu sắc cũng trở nên lung linh, mới lạ hơn. Khổ trên là những hình ảnh cụ thể nhưng lại giàu tính tượng trưng: cánh kiến hoa vàng, chim rừng lông trở biếc... Các hình ảnh ấy lại dẫn đến một khái quát mới:

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Quê hương là nơi chôn nhau cắt rún. Nhưng quê hương cũng là nơi con người thực sự tìm thấy tình yêu, nguồn hạnh phúc!

Khổ thơ cuối lại trở về với những hình ảnh dung dị, cụ thể theo đúng nghĩa của nó: một kỷ niệm ở cuối mùa chiến dịch. Song cách tạo tứ thơ lại ngược với khổ trên. Nếu ở khổ trên, từ những hình ảnh giàu tính tượng trưng, nhà thơ đưa đến một khái quát mới, thì ở khổ này lại từ những hình ảnh cụ thể, có thật đưa đến một “nhận xét”:

Bữa xôi đầu còn tỏa nhớ mùi hương.

Song, thực ra đây cũng là một cách khái quát mới: kỷ niệm đẹp còn sống mãi trong lòng người cho đến bây giờ.

- Phải thấy rằng Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên là bài thơ mang đậm chất “thời sự” mà đoạn thơ trên thể hiện khá rõ. Tuy nhiên, chất “thời sự” lại không làm cho bài thơ trở nên khô khan, nặng về thuyết giáo. Trái lại, chuyện “thời sự” khiến người ta xúc động và những triết lý của nhà thơ lại giàu thuyết phục. Dĩ nhiên, thành công đó có phần do bài thơ là sáng tác của một cây bút già dặn, tài năng, nhưng trước hết và lớn cả là do tâm hồn, tình cảm rất chân thành và sâu nặng của chính nhà thơ đối với Tây Bắc, đối với nhân dân và đất nước.

Tư liệu

Bài Con tàu Tây Bắc được viết ra từ một tâm trạng, hồi ấy tôi yếu không đi đâu được và tôi lại đặt câu hỏi: Nếu mình không đi được thì sao? Tôi đã tìm một cách an ủi để tự yên lòng:

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu,

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

Nói thế thôi tôi trong lòng rất day dứt. Lúc này cảm thấy như cuộc sống của mình chật hẹp, bé nhỏ nếu không hòa được với cuộc đời chung. Những câu thơ đầu là nói cho mình, cảnh ngộ của mình:

Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp

Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia.

Cần phải hiểu không khí lúc ấy của cả xã hội và cũng là của văn chương và thơ ca. Nếu không đi đâu được thì sao? Một số nhà thơ không đâu đi cả mà vẫn tả được như Đíchkensơn (Mỹ) và Hàn Mặc Tử... Lúc làm bài thơ Con tàu Tây Bắc tôi chưa lên Tây Bắc, khi viết bài đó ra anh em nói thích, cảm hứng thơ chân thực. Sau đó một thời gian tôi có dịp đi thăm Tây Bắc, nhưng khi đi về, lại không viết được gì. Thực ra làm thơ, chính là nói, là viết về cái điều ra trước thực tế chứ không phải chỉ bằng bản thân thực tế: không có thực tế thì không có cái tỏa đó. Tuy tôi chưa đi Tây Bắc nhưng tôi có vốn hiểu biết về rừng núi Trường Sơn. Vả lại trong bài thơ Con tàu Tây Bắc tôi cũng không thể nói được về Tây Bắc đang xây dựng cuộc sống mới mà chủ yếu nói về chủ đề kháng chiến.

Trong thơ ca cũng có hiện tượng lạ. Nguyên Chẩn đi viết hay, Bạch Cư Dị không đi viết lại hay hơn. Bài thơ Con tàu say (Le bateau ivre) của Rimbaud được viết khi tác giả chưa đi biển. Căn bản là nhiệt tình lớn nên cường độ tỏa cao. Hiện thực không có trữ tình hỗ trợ là hiện thực văn xuôi. Có khi là nhiệt tình mới, mơ ước mới cộng với vốn sống cũ. Trong bài thơ, tôi nói nhiều về kỷ niệm, kỷ niệm như một chất liệu trực tiếp, kỷ niệm sống lại trong lòng tác giả? Trong bài thơ thực ra tôi chỉ thích mấy câu:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Tôi nghĩ hình như hai câu sau tôi đã chịu ảnh hưởng hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Người đi một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn tôi hóa dại khờ.

Trong cuộc đời có những chất liệu, vốn sống đến với mình một cách tự nhiên lúc này, lúc khác và đến một lúc nào đó mới phát huy tác dụng trong thơ. Tôi nghĩ đó cũng là trường hợp bài thơ Con tàu Tây Bắc.

CHẾ LAN VIÊN

(Nhà văn nói về tác phẩm, Nxb. Văn học, H, 1998)

BÀI CÙNG NHÓM