Có ý kiến cho rằng: Vào đại học là cách lập thân duy nhất của thanh niên. Bằng một bài văn ngắn, anh (chị) hãy phát biểu quan niệm của mình về ý kiến trên

Cánh cổng đại học là niềm mơ ước của rất nhiều thế hệ học sinh. Thế nhưng không phải ai cũng có thể đạt được ước mơ đó và liệu rằng vào Đại học có phải là con đường duy nhất để có việc làm và khẳng định vị thế xã hội của mình trong tương lai hay không?

Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta đều biết đến bao câu chuyện về những hành động tiêu cực của các em học sinh khi các em chịu sức ép quá cao của gia đình trong việc học hành, thi cử vấn đề định hướng con đường lập nghiệp cho các bạn trẻ phụ thuộc khá nhiều vào các bậc phụ huynh. Nhưng thực tế cho thấy, có biết bao người đã tạo dựng sự nghiệp mà không có một tấm bằng trong tay.

Chắc hẳn chúng ta đều biết đến Nguyễn Hoàng Thế Linh - tác giả của nhiều bài thơ đã đăng báo, là tác giả Truyện của thiên tài đã từng gây xôn xao dư luận. Mẹ Linh là giáo viên và gia đình cô có truyền thống làm cán bộ. Trước kì thi đại học, mẹ Linh cho cô học thêm của một giáo sư danh tiếng. Và cuối cùng thì Linh cũng đỗ vào đại học Ngoại Thương nhưng lại học không tập trung lại còn hay bỏ học. Rồi một ngày cả lớp bàng hoàng khi gia đình Linh làm đơn xin bảo lưu kết quả vì Linh bị bệnh - nghe nói là mắc bệnh tâm thần. Linh xa lánh mọi người, hãy nghĩ ngợi, ngồi viết lách nhiều lắm mà không ai biết Linh viết gì. Có lần bố mẹ Linh mời bạn bè thân của Linh đến nhà chơi, đi liên hoan để hòng kéo Linh trở lại giảng đường nhưng trở lại giảng đường lần thứ hai thì cô quyết tâm bỏ học thật. Mãi sau, qua những dòng tự kể trong Truyện của thiên tài thì chúng tôi - mà ngay cả người thân của Linh mới hay cô đã phải giả bệnh trong suốt thời gian dài chỉ để đối phó với cha mẹ, để không phải đi học đại học nữa. Trong thời gian giả bệnh, Linh âm thầm viết thơ, viết Truyện của thiên tài, chỉ đến khi nhà văn - đạo diễn Minh Ngọc, nhà văn Hồ Anh Thái, nhà thơ Dư Thị Hoàn công bố, giới thiệu Linh với độc giả thì cũng là lúc cô chấm dứt giả điên để mọi người biết đến Linh là một nhà văn - nhà thơ trẻ. Không chỉ riêng Linh mà ngay cả ông chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng đã dũng cảm bỏ giảng đường đại học y đế làm kinh doanh. Báo chí đã đăng biết bao tấm gương thành người có ích đâu phải xuất phát từ tấm bằng đại học.

Tại sao họ lại có thể làm được như thế ? Nhờ họ có một ý chí và lòng kiên trì để tự tìm ra lối đi của riêng mình. Lòng tin vừng chắc chính là động lực thúc đẩy họ luôn luôn cầu tiến và học hỏi để vươn tới những ước mơ và hoài bão của chính bản thân mình. Các phụ huynh hãy giúp các bạn trẻ tìm đến một hướng đi đúng với khả năng của họ và mạnh dạn để họ tự phát triển. Học đại học chỉ là một trong vô vàn cơ hội mà cuộc sống đặt ra cho các bạn trẻ mà thôi. Thực tế là nhiều người tốt nghiệp đại học với các ngành rất danh giá như luật, quản trị kinh doanh,... nhưng vẫn thất nghiệp hoặc phải làm những công việc giản đơn, trái ngành. Bây giờ có rất nhiều hệ đào tạo được mở ra như đại học từ xa, tại chức, liên thông, chuyên tu,... nên nhiều bạn sau khi học nghề, tìm được việc làm ổn định, đã tham gia các khóa học trên để tự hoàn thiện kiến thức và trình độ cho mình.

Mọi con đường đều dẫn đến thành công. Đại học không phải là con đường duy nhất. Các bạn học sinh nếu xét thấy khả năng của mình không thể vào được ngưỡng cửa của các trường đại học thì hãy tìm cho mình một nghề phù hợp để tạo lập cuộc sống. Nhưng để tìm được sự nghiệp cho cuộc đời của chính mình là một điều không đơn giản. Có những người đã phải trả giá rất lớn, đó là thời gian, công sức, tiền bạc,... Điều sung sướng nhất - sự nghiệp mà bạn lựa

chọn đã thực sự là người bạn đồng hành với cuộc đời mình. Không gì khổ hơn khi mình phải làm một công việc mà mình không yêu thích, không phát huy được khả năng của mình. Đừng để rơi vào tình trạng làm nhầm nghề, Tuy  nhiên, để tìm được lối thoát, tránh được áp lực đè nặng tâm lí của gia đình và xã hội thì không ai hết, chính bạn là người lựa chọn sự nghiệp cho mình một cách chuẩn nhất.

BÀI CÙNG NHÓM