Phân tích nhân vật Mỵ để thấy được sức sống tiềm tàng của nhân vật này qua truyện Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn được rút từ tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, viết vào năm 1953, ngay sau chuyến thâm nhập thực tế của tác giả. Truyện đã được tặng giải nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954- 1955. Đây là truyện ngắn đặc sắc nhất của Tô Hoài nói riêng và của văn xuôi chống Pháp nói chung. Tác phẩm là một bức tranh chân thực về cuộc sống và thân phận khổ đau của dân nghèo miền núi dưới ách áp bức bóc lột của thế lực phong kiến thực dân; đồng thời là một bài ca về sức sống khát vọng, tự do của con người miền núi; là hình ảnhc on đường giải phóng và cuộc đổi đời của họ. Tiêu biểu nhất cho những con người ấy là Mỵ, một nhân vật mang dấu ấn tài năng phân tích tâm lý, và tư tưởng nhân đạo vừa độc đáo vừa sâu sắc của nhà văn Tô Hoài.

Mở đầu tác phẩm tác giả Tô Hoài giới thiệu Mỵ là một cô gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. "Lúc nào cũng vậy, dù thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, hay cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi". Đó là hình tượng con người nô lệ bị chà đạp và tuyệt vọng. Nhưng Mỵ là ai? Con gái nhà thống lý giàu có chăng? Hỏi ra mới biết Mỵ là con dâu nhà Pá Tra.

Mỵ vốn là một cô gái Mèo con nhà nghèo nhưng mang đủ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ miền núi. Mỵ là một cô gái vừa đẹp người, đẹp nết: cần cù, đảm đang, hiếu thảo, ham sống, giàu lòng yêu đời, và rất mực tài hoa. Tiếng sáo của Mỵ đã có sức lôi cuốn hấp dẫn đặc biệt đối với biết bao chàng trai Mèo. Và cuộc sống, tuổi thanh xuân, tương lai của Mỵ hứa hẹn biết bao điều tốt lành, tươi sáng. Và sự thực mùa xuân đến, Mỵ đã sống những giây phút tươi đẹp của tuổi trăng rằm, dù trong cảnh nghèo khó.

Nhưng tương lai sáng và tuổi trẻ với hạnh phúc và tình yêu đã không đến với cô gái nghèo khổ đó. Chỉ vì một món nợ truyền kiếp - ngày trước bố mẹ cưới nhau phải vay nhà thống lý Pá Tra và cho đến lúc già, mẹ cô chết, vẫn chưa trả được mà Mỵ phải đem thân làm con dâu trừ món nợ ấy - như một thứ "Tội tổ tông" của người nghèo cho nhà thống lý Pá Tra, một tên quan lại kiêm địa chủ tham lam xảo quyệt và tàn nhẫn của vùng Hồng Ngài. Kể từ khi về làm con dâu cho nhà thống lý, Mỵ phải sống những chuỗi ngày đau thương tủi nhục tăm tối. Danh nghĩa là con dâu nhà quan, nhưng thực chất Mỵ là một thứ nô lệ không công. Mỵ không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị đày đoạ về tinh thần. Đã mấy tháng trời, đêm nào Mỵ cũng khóc. Cô gái tội nghiệp ấy đã có lúc định kết liễu cuộc đời mình bằng nắm lá ngón. Nhưng có chết thì món nợ vẫn còn. Bố Mỵ còn khổ hơn bây giờ bao nhiêu lần. Thế là thương bố, Mỵ không thể chết, Mỵ liền ném nắm lá ngón như ném cái khát vọng được giải thoát cho riêng mình, và Mỵ đành trở về cuộc đời nô lệ để trả nợ cho bố. Dưới mấy tầng áp bức của cường quyền, thần quyền và hủ tục phong kiến miền núi, Mỵ phải sống kiếp sống như con vật, thậm chí không bằng con vật "Bây giờ thì Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, tưởng mình là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi... Lúc nào Mỵ cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, nối tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì đi nương bẻ bắp. Suốt năm, suốt đời như thế. Con trâu, con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái trong nhà này thì vùi đầu vào việc làm cả ngày cả đêm". Những ngày Tết, A Sử đi chơi, Mỵ còn bị trói đứng trong buồng tối... Thế mà liền đấy, vừa mới được cởi trói thì cô phải đi hái thuốc lá về xoa bóp cho chồng. Nhỡ mệt thiếp đi thì A Sử lấy chân đạp thẳng vào mặt Mỵ. Thật không ở đâu mạng sống, nhân cách con người bị coi rẻ như vậy.

Bị giam hãm đoạ đày trong cái địa ngục khủng khiếp của cả nhà thống lý, Mỵ đang chết dần, chết mòn với năm tháng. Thân xác héo khô, tâm hồn lạnh lẽo trống vắng. Mỵ gần như tê liệt sức sống. Con người ta thường tồn tại trong ba quan hệ thời gian, không gian, và giao tiếp. Ba quan hệ ấy đối với Mỵ dường như đã bị triệt tiêu. Mỵ mất hết ý thức về thời gian, sự chuyển biến thời gian sớm hay tối đối với Mỵ chẳng có ý nghĩa gì nữa: không dĩ vãng, không hiện tại, không cả tương lai. lâu trong cái khổ Mỵ quen với cái khổ rồi, Mỵ ngày càng không nói, lùi lũi như con rùa trong xó cửa. Cuộc đời Mỵ chỉ còn thu lại qua cái khung cửa sổ bằng bàn tay "mờ mờ" "trăng trắng, không biết là sương hay là nắng". Mỵ hầu như mất hết cả ý thức về bản thân và những mong muốn đổi thay cho số phận mình. Thậm chí Mỵ cũng không có cả ý nghĩ về cái chết nữa.

Nhưng phải chăng tâm hồn cô gái Mèo trẻ đẹp, tài hoa, giàu sức sống, yêu đời thuở nào giờ đây đã hoàn toàn nguội lạnh băng giá, cam chịu thân phận nô lệ và hoàn toàn tê liệt? Không! Ngòi bút giàu chất thơ và tinh thần nhân đạo của Tô Hoài không chỉ mô tả thấm thía cái mặt tối tăm ảm đạm của cuộc đời Mỵ mà còn tha thiết hướng về phía sự sống và ánh sáng để khơi gợi nó lên. Nhà văn đã nhìn thấy được dưới đáy tâm hồn tưởng như tê liệt vì khổ đau của Mỵ vẫn còn le lói ánh sáng và hơi ấm của niềm ham sống, khát khao hạnh phúc và tự do. Niềm ham sống ấy tiềm ẩn dưới đáy tâm hồn, như ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy dưới lớp tro nguội, chỉ cần có một làn gió thổi tới là có thể cháy bùng lên.

Mùa xuân về trên vùng núi cao Tây Bắc có ý nghĩa như "Một hoàn cảnh điển hình" làm gợi dậy ở con người và thiên nhiên sức sống tiềm tàng. Sự sống cảnh vật và con người như được mùa xuân khơi dậy làm cho bừng tỉnh. Và thời điểm để ngọn lửa ham sống trong lòng Mỵ bùng lên đã đến. Đấy là một "đêm tình mùa xuân". Tiếng khèn, tiếng sáo của trai làng gọi bạn tình cứ tha thiết bồi hồi. Tai Mỵ văng vẳng tiếng sáo của trai làng gọi bạn tình cứ tha thiết bồi hồi. "Tai Mỵ vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng". Với Mỵ, tiếng sáo là biểu tượng lôi cuốn nhất của mùa xuân của khát vọng tình yêu hạnh phúc. "Ngày trước, Mỵ thổi sáo giỏi. Mỵ uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê..." cái nồng nàn của đêm xuân lại được tăng lên bởi bữa rượu ngày Tết, trong tiếng chiêng đánh ầm ĩ và những người lên đồng, người hát. "Ngày tết, Mỵ cũng uống rượu. Mỵ lén lấy hũ rượu cứ uống ừng ực từng bát. Rồi say". Cách uống rượu của Mỵ như báo hiệu một hành động nổi loạn của nhân vật. Và chính trong trang thái dễ bị kích thích bởi men rượu bởi những âm thanh náo động của bữa cơm cúng ma trong nhà thống lý Pá Tra và tiếng gọi lôi cuốn của tiếng sáo gọi bạn tình, Mỵ đã vượt ra ngoài con người thể xác hiện tại để sống với con người tâm linh. Mỵ thoát khỏi tâm trạng thờ ơ nguội lạnh bấy lâu nay của lòng mình.

Dấu hiệu đầu tiên là Mỵ sống lại với những ký niệm êm đẹp ngày trước, những ngày hạnh phúc êm đềm vô tư của tuổi trẻ với những bữa rượu bên bếp lửa ấm cúng, với những tiếng sáo dìu dặt của trai làng bao đêm theo Mỵ hết núi này đến núi khác.

Tiến thêm một bước nữa, Mỵ trở lại niềm vui sống trong chốc lát. Ở đây dường như Tô Hoài, đã hoá thân vào nhân vật để trần thuật, suy nghĩ, tạo nên thứ ngôn ngữ nửa trực tiếp rất hấp dẫn "Mỵ thấy phơi phới trở lại... Mỵ trẻ lắm, Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mỵ không có lòng với nhau mà vẫn ở với nhau!"

Lòng ham sống của Mỵ trỗi dậy mãnh liệt không thể dập tắt nữa rồi! ý nghĩ tiếp theo của Mỵ là "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mỵ sẽ ăn cho chết ngay!"... Phản ứng ấy chứng tỏ Mỵ đã ý thức được hoàn cảnh đau khổ tủi nhục triền miên của đời mình hiện tại. Dường như Mỵ không muốn chấp nhận cuộc sống lầm than tủi nhục vô nghĩa như kiếp sống của một con vật nữa.

Trong khi đó, tiếng sáo gọi bạn tình, biểu tượng của sự sống, hạnh phúc, tình yêu, tự do bây lâu nay Mỵ dường như đã quên rồi cứ ngân lên thôi thúc. Tiếng sáo, đó cũng là hiện thân tâm hồn Mỵ cứ thẹo sát từng bước diễn biến tâm trạng của cô. Nó chính là ngọn gió trực tiếp làm thổi bùng lên ngọn lửa ham sống trong lòng Mỵ.

Sức sống trỗi dậy của tâm hồn Mỵ như những đợt sóng ào ạt, đợt sau mạnh mẽ hơn đợt trước. Từ những sục sôi trong tâm trí, Mỵ đã đi đến hành động. "Mỵ đến góc nhà lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng". Có thể xem đây là một hành động thức tỉnh. Phải chăng Mỵ đã thắp lên một ngọn đèn soi vào cuộc sống của mình, để thoát ra khỏi những đêm dài triền miên tăm tôi trong quá khứ?

Và hành động này thúc đẩy hành động khác tiếp theo như một phản ứng dây chuyền không thể nào ngăn lại được nữa. Hình như không đếm xỉa gì đến những xiềng xích tàn bạo của nhà thống lý Pá Tra, Mỵ đã tự mình hành động như một người tự do, đi theo tiếng gọi của lòng mình. "Mỵ quấn lại tóc với tay lấy cái váy hoa" sửa soạn đi chơi ngày Tết. Giữa lúc lòng ham sống trỗi dậy một cách mãnh liệt nhất thì cũng là lúc Mỵ bị vùi dập một cách phũ phàng nhất. A Sử, chồng Mỵ bước vào thản nhiên trói đứng Mỵ vào cột nhà. Hành động trói vợ của A Sử thản nhiên đến lạnh lùng và tàn nhẫn như hành động thắt lưng, tắt đèn, khép cửa buồng. Suốt đêm bị trói ấy, Mỵ đã sống trong sự giằng xé mạnh mẽ giữa niềm khao khát sống, khát khao hạnh phúc cháy bỏng và thực tại khắc nghiệt lạnh lùng. "Như không biết mình đang bị trói, hơi rượu còn nồng nàn", "Mỵ vẫn thả hồn lâng lâng theo tiếng sáo của tuổi trẻ và tình yêu: Em không yêu, quả pao rơi rồi! Em yêu người nào, em bắt pao nào". Quên những đau đớn về thể xác, "Mỵ đã vùng bước đi”: Điều đó chứng tỏ sức sống tiềm tàng trong con người Mỵ dữ dội biết nhường nào.

Những phút trỗi dậy ấy có ý nghĩa thức tỉnh. Từ đây hình như Mỵ đã trở lại là mình. Thời gian trôi đi, rồi một đêm kia, Mỵ được chứng kiến cảnh A Phủ bị trói một cách thảm khốc. Lúc đầu, tâm hồn Mỵ như khép kín, câm lặng, không phản ứng gì. Nào phải đâu Mỵ là con người nhẫn tâm? Chỉ vì những hành động tội ác trong nhà Pá Tra là chuyện xảy ra hàng ngày. Vả chăng Mỵ cũng chỉ là một nạn nhân bất lực mà thôi. Hơn nữa, Mỵ hình như lại rơi vào trạng thái gần như vô cảm.

Nhưng đêm nay, dưới ánh "lửa bập bùng", "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ đã khơi dậy trong tâm hồn Mỵ niềm cảm thông sâu sắc của những con người cùng cảnh ngộ. Càng thương mình "Mỵ chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mỵ, Mỵ cũng phải trói đứng thế kia..." Càng thương người "chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết rét, phải chết...". Và cũng như lần trước, mỗi khi sức sống trỗi dậy, Mỵ lại nghĩ đến cái chết. Song lần này là một cái chết oan nghiệt vô lý của một người khác: A Phủ. "Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình má nhà nó rồi thì chỉ con biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế". Mỵ không thể dửng dưng câm lặng được nữa. Tình thương đã lấn át cả nỗi sợ và cao hơn cả cái chết - sẵn sàng thế mạng cho A Phủ. Đó là giây phút tuyệt đẹp trong đời Mỵ. Cô đã trở thành con người cao cả. Mỵ đã đi đến một hành động thật táo bạo: "Cắt dây trói giải thoát cho A Phủ". Hành động này tuy không đoán trước được nhưng hoàn toàn không ngẫu nhiên chút nào. Con người đã từng dám chết để giải thoát cho mình, từng sẵn sàng cam chịu thân phận trâu ngựa để trừ nợ cho bố, thì sao không dám chết để cứu một người vô tội.?

Khi thấy A Phủ chạy rồi, khát vọng tự do, lòng ham sống đã bừng tỉnh trong Mỵ. Mỵ phải sống, "A Phủ cho tôi đi! ở đây thì chết mất!" Thế là "Mỵ vụt chạy... băng đi". Giải thoát cho A Phủ, Mỵ cũng tự giải thoát luôn cho chính mình, cắt đứt những sợi dây vô hình đã cột chặt đời cô vào quãng đời tủi nhục trong nhà thống lý Pá Tra. Đây là một hành động tự phát, nhưng nó là kết quả phát triển tất yếu của cả một quá trình sức sống tiềm tàng trỗi dậy không ngừng trong tâm hồn Mỵ. Từ trong cái địa ngục giam cầm đầy đoạ mình bao nhiêu năm trời, Mỵ đã vùng lên tìm lẽ sống, làm lại cuộc đời. Nhà văn Tô Hoài đã mô tả quá trình diễn biến tâm lý và hành động của Mỵ rất tự nhiên và sinh động, vừa bất ngờ, vừa tất yếu, hợp quy luật cuộc sống. Vì vậy, có thể nói "Mỵ là một nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi cách mạng đương đại Việt Nam" (Giáo sư Trần Đình Sử).

Vẻ đẹp rực rỡ, sức thu hút mạnh mẽ của nhân vật Mỵ đôi với người đọc xưa nay chính là phẩm chất cao quý, đặc biệt là sức sống tiềm tàng ấy. Đọc Vợ chồng A Phủ, mỗi độc giả chúng ta ai cũng nhớ, cũng thương, cũng quý một cô Mỵ trong đày đoạ như vậy mà vẫn luôn luôn khát khao vươn lên cuộc sống hạnh phúc, tự do, để càng yêu hơn một cô Mỵ du kích ở Phiềng Sa sau này. Trước Cách mạng, trong văn học hiện thực phê phán, Chị Dậu cũng là một nhân vật tuyệt đẹp và tiềm tàng sức sống mãnh liệt, Nguyễn Tuân viết "Cả tác phẩm Tắt đèn là một đêm tối có những lúc bóng tối ken dày đặc quánh vón thành từng cục làm cho chị Dậu phải thì thào tiếng nói bóng ma." Nhưng chị không đầu hàng bóng tối... Trái lại chị cứ lăn xả vào bóng tối mà phá ra. Cây lúa thèm ánh sáng thế nào thì Chị Dậu tuôn ra khỏi bóng tối mạnh như vậy. Vì thế Nguyễn Tuân đã khẳng định "Trên cảnh tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa thấy xuất hiện lên sừng sững một chân dung lạc quan. Đó là Chị Dậu". Chân dung Chị Dậu thì lạc quan nhưng tiền đồ của chị lại tối đen như mực. Còn cô Mỵ của Tô Hoài là nhân vật của văn học cách mạng, nên tiền đồ của cô vô cùng tươi sáng. Cô đã được Đảng dìu dắt "từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui".

BÀI CÙNG NHÓM