Văn bản "Thuế máu" được trích từ chương I cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp - một tác phẩm chính luận của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp, xuất bản lần đầu tiên tại Pa-ri năm 1925, xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1946.
Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp ra đời trong thời kì chủ nghĩa thực dân Pháp thực hiện âm mưu "khai thác triệt để" thuộc địa. Sau đại chiến thứ nhất, bọn đế quốc Pháp phản bội mọi lời hứa hẹn tốt đẹp với nhân dân thuộc địa. Hơn nữa, chúng ra sức tăng cường toàn bộ chính sách bóc lột, đàn áp hết sức dã man, với những kế hoạch quy mô, những tổ chức có hệ thống về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa. Hầm mỏ, nhà máy, đồn điền cao su tập trung hàng nghìn công nhân là những địa ngục trần gian. Thuế má nặng nề, phi lí, rượu cồn, thuốc phiện..., giam hãm người nông dân trong cảnh bần cùng, đói rét. Bộ máy quan lại được củng cố, trở thành những công cụ đắc lực, bắt bớ những người yêu nước và bóc lột đến tận cái khố rách của nhân dân thuộc địa. Chúng thi hành mọi chính sách thâm hiểm và trắng trợn chống lại nền văn hóa dân tộc. Nấp sau chiêu bài "Bình đẳng, Bác ái", và nhiều khi không cần chiêu bài gì, chúng muốn biến những dân tộc bị áp bức thành những dân tộc đời đời làm nô lệ. Để thực hiện những âm mưu ấy, chủ nghĩa đế quốc Pháp xuất khẩu những tên thực dân sang thuộc địa. Bọn này hùng hổ kéo từng đoàn, từng lũ sang thuộc địa để vơ vét, chém giết, dưới khẩu hiệu lừa bịp “khai hóa". Dù che giấu dưới cái vẻ hào nhoáng nào, chúng vẫn lộ nguyên hình là những con quỷ dữ. Đó là hình ảnh cụ thể nhất của chủ nghĩa đế quốc "ăn bám" và "thối nát". Bản án chế độ thực dân Pháp của Hồ Chủ tịch đã miêu tả quá trình tiêu vong của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn giãy chết của nó, qua hình tượng những tên thực dân dưới nhiều hình dáng.