Không phải ngẫu nhiên mà một nhà tư tưởng đã nói: “Nếu bạn dám chấp nhận thất bại như một cơ hội trưởng thành cho mình thì bạn hãy tin là mình đang bước đi trên con đường đến với thành công”. Thất bại là một phần tất yếu trong cuộc sống mà không ai tránh khỏi, vấn đề quan trọng ở đây không phải là chúng ta có thất bại hay không mà là chúng ta đã thất bại như thế nào. Sự khác biệt giữa người thành công và người không thành công được xác định không phải bởi số lần họ thất bại mà là họ đã làm gì sau những lần thất bại đó. Và với điều này, khi đó, thất bại đã thực sự trở thành “mẹ thành công”.
Thất bại và thành công là hai trạng thái đối lập nhau. Cùng thực hiện điều gì đó, nếu như đạt được tới và vượt đích đặt ra, bạn đã thành công, còn ngược lại, bạn là một người thất bại. Không ai có thể khẳng định được rằng trong cuộc đời sẽ không bao giờ thất bại. Từ trong thất bại, mỗi người sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Lấy đó làm bài học để rút ra cho mình những kinh nghiệm để rồi từ đó không bao giờ đi vào vết xe đổ thêm một lần nữa, khi đó, thất bại lại trở nên có ích, thất bại khiến cho con người ta trưởng thành hơn lên, “thất bại là mẹ thành công”.
Nhà triết học Friedrich Nietzsche đã nói: “Nếu cái gì đó đã không giết chết được ta, thì nó sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn lên”. Thất bại là không thể tránh khỏi, nhưng cũng chính vì thế mà khi biết điều chỉnh, thành công sẽ đến như một tất yếu:
“Nếu không thất bại
Sao có thành công
Xưa nay anh hùng
Tinh thua mới được”.
(Phan Bội Châu)
Sự khác biệt giữa một người thành công và một người thất bại trong cuộc đời không chỉ nằm ở khả năng hay sự sáng tạo của người đó trong cuộc sống mà còn tùy thuộc phần lớn vào sự can đảm, dũng cảm thực hiện ước mơ của mình, tính toán những rủi ro, đối mặt với nó và kiên trì hành động. Khi ta biết tìm ra nguyên nhân của thất bại, ta sẽ biết tìm ra cách khắc phục nó để đi lên thì không có lí do gì để không vươn tới được thành công. Kinh nghiệm đứng lên từ thất bại sẽ là những tiền đề đắt giá để vượt qua những khó khăn khác và vươn tới thành công. Ngược lại, những người không bao giờ biết tự đứng lên sau thất bại thì thành công sẽ chẳng bao giờ có được. Vậy có cách gì để giúp chúng ta có đủ sức mạnh vươn lên sau thất bại? Khi gặp thất bại, bạn nên hỏi: Ta thất bại thế nào? để từ đó tìm ra vì đâu mà ta thất bại và từ đó tìm ra cách khắc phục. Thất bại là người thầy vĩ đại của cuộc sống vì vậy nếu muốn đi tới thành công, bạn hãy nhanh chóng rút ra những bài học từ sự thất bại. Từ trong thất bại, ta biết cách nhìn nhận lại bản thân nghiêm khắc hơn; từ trong thất bại, ta biết cách nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn, biết cách tìm ra căn nguyên của vấn đề để giải quyết nó một cách thấu đáo. Cũng từ trong thất bại, ta học được cách khiêm tốn, để tự lượng được sức lực và khả năng của mình. Thất bại dạy ta biết phát huy sức mạnh của bản thân, sức mạnh của cá tính để đi đến những kết quả như mong muốn. Thất bại dạy chúng ta về lòng kiên trì. Kiên trì để vững vàng trước những khó khăn trước mắt, để quyết tâm và nỗ lực không ngừng trong suốt cuộc hành trình chinh phục những đỉnh cao. Thất bại dạy chúng ta có thể vượt qua thất bại, không gục ngã, không bỏ cuộc. Không hề xấu hổ khi thất bại, chỉ xấu hổ khi sợ phải gượng dậy và tiếp tục cố gắng. Nhưng có lẽ bài học quý giá nhất đó là thất bại dạy chúng ta mạnh mẽ hơn. Sức mạnh thật sự xuất phát từ nhận thức rằng: Chúng ta sẽ vững vàng càng trưởng thành hơn lên sau mỗi lần thất bại. Bạn mạnh mẽ hơn để đối diện với những khó khăn, dũng cảm hơn để dám thừa nhận thất bại, và quan trọng hơn nữa, với sức mạnh đó, từ trong thất bại (có thể kéo theo đó là thất vọng và đau khổ) bạn sẽ vẫn là chính mình, vẫn sẽ biết nhìn ra những hướng đi mới để thay đổi tất cả, và tất nhiên, sẽ không bao giờ đi vào vết xe đổ trước đó. Những người không chịu học hỏi sẽ rất hay mắc phải sai lầm, chỉ những người có tinh thần cầu tiến, có nghị lực mới có thể đi đến thành công từ sau những thất bại. Khổng Tử đã nói: “Vinh quang vĩ đại nhất của chúng ta không phải là chẳng bao giờ thất bại mà ở chúng ta dám đứng dậy sau mỗi thất bại”. Còn H.Stanley Judd thì khẳng định: “Đừng sợ thất bại. Hãy rút ra kinh nghiệm từ thất bại và tiếp tục đương đầu với thách thức mới. Nếu không thất bại, bạn sẽ không thể trưởng thành. Vậy những bí quyết để thành công từ sự thất bại là gì?
Bạn hãy biết thừa nhận thất bại như một phần của cuộc sống. Như thế cũng có nghĩa là người ta có quyền tự do đi đến thành công và cũng có quyền được thất bại khi đó là điều không thể tránh khỏi, cần phải phân biệt hai loại thất bại: Thất bại một cách xứng đáng khi bạn đã cố gắng hết sức mình để đạt được một điều gì đó mới mẻ hoặc khác thường nhưng nó đã không mang lại kết quả như bạn mong muốn và sự thất bại do thiếu khả năng khi mà bạn không cố gắng hoặc năng lực để thực hiện công việc đó. Khi mà bạn đã cố gắng hết mình để đạt được một điều gì đó mới mẻ hoặc khác thường nhưng nó đã mang lại kết quả như bạn mong muốn và khi bạn không cố gắng hoặc để năng lực thực hiện công việc đó.
Đừng ở đó và viện cớ để biện minh cho những thất bại của bản thân mình. Cũng đừng ở đó để thở than khổ sở, tự trách móc bản thân mình vì những thất bại đã qua. Hãy thay đổi bản thân mình, chủ động tìm ra câu trả lời và tự tin để bước vào một hành trình mới, một thử thách mới, để thành công.
Mỗi ngày trôi qua cuộc sống mang đến cho bạn rất nhiều cơ hội, và chính bạn sẽ là người quyết định bạn là người thành công hay thất bại. Sự lựa chọn phụ thuộc vào bạn, theo cách của chính bạn mà thôi.