Màu sắc sử thi trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của đoạn trích Ra-ma buộc tội (Trích Ra-ma-ya-na - sử thi Ấn Độ)

Xây dựng nhân vật là một trong những phương diện thể hiện khá đậm nét đặc trưng thể loại của các văn bản văn học, đặc biệt đối với thể loại văn học dân gian như sử thi. Từ đoạn trích Ra-ma buộc tội (Trích sử thi Ra-ma-ya-na), chúng ta có thể có cái nhìn rõ hơn về điều này.

Nói đến sử thi là nói đến tác phẩm tự sự dân gian có qui mô lớn, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại. Ra-ma-ya-na (tương truyền tác giả là Van-mi-ki) là câu chuyện kể về những kì tích của Ra-ma, hoàng tử trưởng của nhà vua Đa-xa-ra-tha... Sử thi đã xây dựng được nhiều.nhân vật lí tưởng như Ra-ma, Xi-ta, Lắc-ma-na, Ha-nu-man... Và hơn hai ngàn năm qua, chính các nhân vật này đã nuôi dưỡng tinh thần, đạo đức dân tộc Ân Độ.

Trong đoạn trích Ra-ma buộc tội, Van-mi-ki tập trung xây dựng hai nhân vật Ra-ma và Xi-ta theo đúng đặc trưng nhân vật của thể loại sử thi: các nhân vật luôn mang trong mình phẩm chất cao quí, đại diện cho cộng đồng, dám sống vì cộng đồng. Trong Ra-ma-ya-na, Ra-ma và Xi-ta là hai nhân vật được tôn vinh, ngợi ca. Ra-ma là anh hùng, vị vua của một vương quốc còn Xi-ta là một hoàng hậu. Hầu hết hành động, lời nói của hai nhân vật này trong suốt chiều dài thiên sử thi nói chung cũng như trong đoạn trích đều phải mẫu mực, đều phải chịu sự chi phối của các chuẩn mực trong cộng đồng. Chính vì là những nhân vật được lựa chọn đại diện cho vẻ đẹp đạo đức của cộng đồng nên sau chiến thắng, giải cứu được cho Xi-ta, Ra-ma không được gặp Xi-ta tại không gian riêng tư nào đó. Hai vợ chồng chàng buộc phải gặp lại nhau trong không gian công cộng, trước sự chứng kiến của cả anh em, bạn hữu trung thành của Ra-ma, quân đội khỉ và quan quân dân chúng của vương quốc quỉ, để tiếp tục giải tỏ mối ngờ vực về phẩm tiết của Xi-ta. Không phải ngẫu nhiên Van-mi-ki lại dựng lên hoàn cảnh tái hợp như thế cho đôi vợ chồng sau bao ngày chia li oan ức. Đốì với Xi-ta, Ra-ma là một người chồng. Nhưng trước sự chứng kiến của cả một cộng đồng, Ra-ma không chỉ đứng trên tư cách người chồng, mà còn trên tư cách một người anh hùng, một đức vua. Xi-ta cũng vậy. Nàng không chỉ là vợ của Ra-ma mà còn là một hoàng hậu. Đối với cộng đồng ấy, nhân cách của hai người phải là nhân cách không tì vết. Xi-ta đã từng ở trong tay quỉ Ra-va-na, và không ai chứng thực được sự trong sạch, trinh khiết của tâm hồn nàng. Và chừng nào điều đó chưa được sáng tỏ thì chừng đó Xi-ta và Ra-ma chưa thể đoàn tụ và sống hạnh phúc bên nhau được. Ra- ma và Xi-ta là hai con người được cộng đồng tôn vinh nên trước khi được sống cuộc đời của một cá nhân, họ phải là những mẫu mực của cộng đồng. Con người lí tưởng phải có hành động, lời nói lí tưởng. Đó chính là lí do khiên Ra-ma và Xi-ta đã được Van-mi-ki xây dựng như những con người luôn hành động và phát ngôn theo đúng chuẩn mực đạo đức của xã hội Ân Độ thời cổ đại.

Đọc Ra-ĩìia buộc tội, chúng ta đều hiểu con người cá nhân và con người xã hội khiến Ra-ma trong một ràng buộc kép: vừa yêu thương, xót xa cho vợ, vừa phải giữ bổn phận gương mẫu của một đức vua, một anh hùng. Bởi vậy, hành động, lời nói của chàng đối với Xi-ta trước đông đảo mọi người bắt buộc phải là hành động, lời nói của một đấng quân vương. Khi đem quân chiến đấu với quỉ Ra-va-na, động cơ và sức mạnh chiến đấu của Ra-mà là sự thống nhất giữa bổn phận anh hùng và tình yêu của người chồng: “Hỡi ôi! Khi nào đây ta sẽ được trông thấy Gia-na-ki mắt bông sen như gặp được hồng phúc của bậc quân vương sau khi giành được chiến thắng?... Khi nào với những mũi tên của mình, ta sẽ xuyên thủng ngực gã Ra-va-na để xua tan những đau buồn của ta? Khi nào thì, người con gái trinh bạch đó sẽ ôm cổ ta mà giỏ những giọt lệ sướng vui?”. Nhưng khi đứng trước đám đông, lời tuyên bố của chàng đặc biệt nhấn mạnh danh dự ỵà tài nghệ người anh hùng, phủ nhận tình vợ chồng: “Chẳng phải vì nàng mà ta đã đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xoá bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm của ta”. Những từ ngữ liên quan đến tài nghệ (tài năng), danh dự (nhân phẩm, uy tín, tiếng tăm, gia đình cao quí, dòng họ lẫy lừng, trả thù sự lăng nhục, xoá bỏ vết ô nhục...) trở đi trở lại trong lời nói của Ra-ma. Ra-ma hiểu sâu sắc vai trò của chàng như khuôn mẫu đạo đức mà dân chúng sẽ soi theo. Chàng buộc phải hi sinh quyền lợi cá nhân vì đòi hỏi của cộng đồng mà nghi ngờ Xi-ta. Ra-ma phải nói những lời gay gắt khó tả, những lời tàn nhẫn chưa từng có, những lời xúc phạm đến vợ và bạn hữu của mình. Trao cho Ra-ma những hành động, lời nói đó, chắc chắn Van-mi-ki ý thức rất rõ về cách xây dựng nhân vật sử thi. Không phải Ra-mâ không còn yêu, không còn tin Xi-ta. Chi tiết khi Xi-ta lên giàn lửa, Ra-ma cũng chịu thử thách dữ dội: Lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần Chết vậy đủ để khẳng định điều đó. Nhưng Ra-ma bắt buộc phải có những hành động và phát ngôn như thế để bảo toàn danh dự của đấng quân vương. Và chỉ khi nói và làm như vậy, Ra-ma mới xứng đáng là một anh hùng, một đấng quân vương mẫu mực.

Cũng như Ra-ma, khi đứng trước toàn thể cộng đồng, tư cách của Xi-ta là tư cách của một hoàng hậu. Thái độ của Ra-ma hết sức bất ngờ đối với Xi-ta. Khi nghe những lời tố cáo chưa từng có trước mặt đông đủ mọi ngựời, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả thân xác của mình. Lúc này tâm trạng Xi-ta không chỉ là nỗi xót xa, tủi hẹn của một người vợ mà có cả nỗi đau khổ mất danh dự của một con người, một hoàng hậu trước cộng đồng. Lúc đầu, nàng đứng từ quan hệ riêng tư để xưng thiếp - chàng. Sau nàng chuyển sang quan hệ xã hội, gọi Ra-ma là Đức vua, Người. Lời nói của Xi-ta với Lắc-ma-na cũng chính là lời nàng muôn nói với công chúng: “Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng đã ruồng rẫy chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa”. Kìm nén lại trong mình nỗi đau khôn xiết, khi cất tiếng, Xi-ta dần tìm lại sự dân chủ: Lấy tà áo lau nước mắt, rồi bằng giọng dịu dàng, nghẹn ngào, nức nở, nàng nói: “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn? Thiếp đấu phải là con người như chàng tưởng! Thiếp có thể lấy tư cách của thiếp ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp. Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng như thế đâu có phải. "Nếu chàng có hiểu biết thiếp chút đỉnh thì xin hãy từ bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi”... Những lời thanh minh đó của nàng dịu dàng mà đầy sức mạnh, rành rẽ, vừa đạt lí, vừa thấu tình. Chúng khẳng định tư cách, phẩm hạnh cua nàng, đồng thời trách Ra- ma không suy xét chín chắn mà đánh đồng nàng với hạng phụ nữ tầm thường. Và hành động lên giàn hoả thiêu của Xi-ta là hành động quyết liệt nhất để nàng khẳng định phẩm tiết của bản thân mình. Xi-ta xứng đáng là người phụ nữ lí tưởng, đức hạnh vẹn toàn.

Có thể xem sự kiện Xi-ta bị Ra-ma dồn ép, phải bước lên giàn thiêu là thử thách cuối cùng mà cả Ra-ma và Xi-ta phải vượt qua để đạt đến chiến thắng tuyệt đối, trọn vẹn. Nếu Xi-ta không chứng minh được phẩm hạnh của mình như một người phụ xử lí tưởng thì chiến thắng trên chiến trường của Ra-ma cũng vô nghĩa. Nếu Ra-ma không chứng tỏ được ý thức danh dự thì người anh hùng cũng chưa xứng đáng là một đấng quân vương mẫu mực. Bằng sự am hiểu sâu sắc thể loại sử thi, Van-mi-ki đã xây dựng được các nhân vật lí tưởng với những hành động, lời nói thể hiện sâu sắc vẻ đẹp đạo đức - vấn đề được đề cao nhất trong đời sống xã hội Ân Độ nói chung và trong văn học Ấn Độ nói riêng.

BÀI CÙNG NHÓM