Một số bạn em có phần lơ là học tập. Em hãy viết một bài văn để thuyết phục các bạn ấy tin rằng đúng như người xưa từng nhắc nhở: Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích

Bất cứ thời đại nào dù xưa hay nay, việc học hành luôn là vấn đề quan trọng. Trong xã hội xưa, kẻ sĩ - người có học được xếp hàng đầu. Ngày nay, thời đại của tri thức, của khoa học công nghệ, chữ "sĩ' lại càng quan trọng. Các cụ ta đã từng nhắc "Nhân bất học bất tri lí". Việc học là việc suốt đời nhưng những năm tháng còn trẻ, người ta cần phải học nhiều nhất, bởi thế ta có thể khẳng định rằng: Nếu còn trẻ ta không chịu học hành thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Suốt lịch sử phát triển mấy ngàn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Những tri thức ấy được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua hình thức truyền miệng và chữ viết (sách). Muốn tiếp thu tinh hoa trí tuệ, con người chỉ có một con đường duy nhất là học, học suốt đời.

Mười hai năm học ở phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức sơ đẳng của một số bộ môn cơ bản như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ... Tuy thế chúng ta phải chăm chỉ học hành thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học hành thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao.

Thực tế cho thấy là có học có hơn. Mục đích của việc học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao. Nếu ta đơn thuần làm việc theo thói quen hoặc kinh nghiệm có sẵn thì công việc tiến triển sẽ chậm và chất lượng không tốt. Cách làm như trên chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp liên quan đến khoa học kĩ thuật thì cung cách làm việc ấy là lạc hậu, lỗi thời. Muốn đạt hiệu quả tốt trong mọi lĩnh vực, chúng ta bắt buộc phải học, phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng, bằng mọi hình thức khác nhau.

Trong giai đoạn khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thi tri thức (chất xám) của con người là tiền đề vô cùng quan trọng. Có nắm vững lí thuyết, chúng ta mới làm được những công việc phức tạp. Lí thuyết khoa học có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho kĩ năng thực hành, con người sẽ rút ngắn được nhiều thời gian mò mẫm, tìm hiểu thực tiễn, do đó sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc.

Do đó chúng ta không thể coi nhẹ vai trò của việc học hành. Đúng là nếu không học hành đến nơi đến chốn thì lớn lên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Hiện nay, một số bạn trẻ không nhận thức được tầm quan trọng của việc học đối với sự thành công hay thất bại của đời người. Nhận thức lệch lạc thường dẫn đến hành động sai lầm. Bỏ học đi chơi, giao du với những thành phần bất hảo để rồi bị rủ rê, sa ngã vào con đường cờ bạc, chơi bời, hút chích... dần dần sẽ đánh mất nhân cách, mất khả năng làm việc và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Một cuộc sống như thế không đáng gọi là cuộc sống của một con người chân chính. Đến một lúc nào đó tỉnh ngộ, dẫu họ có ăn nản, hối hận thì cũng đã muộn màng.

Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở và cuộc đời nếu đem áp dụng vào thực tiễn sẽ mang lại nhiều thành quả tinh thần, vật chất cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.

Tri thức loài người mênh mông như biển cả (Bể học vô bờ). Dẫu chúng ta có miệt mài học suốt cuộc đời thì cũng chỉ tiếp thu được một phần rất nhỏ. Bác Hồ dạy: Học ở trường, học trong sách vở; học lẫn nhau và học ở dân. Lênin cũng từng khuyên thanh niên: Học! Học nữa! Học mãi! Đó là những lời khuyên chí lí, có giá trị đối với mọi hoàn cảnh. Nếu không coi trọng việc học thì chúng ta sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thời đại.

BÀI CÙNG NHÓM