Bình giảng khổ thơ sau trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi: Mùa thu nay khác rồi... Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Các ý chính:

1. Giới thiệu về tác giả và tác phẩm

Đất nước là một bài thơ hay và tiêu biểu cho thơ Nguyễn Đình Thi và thơ kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ được sáng tác trong một khoảng thời gian khá dài (1948 - 1955), nghĩa là trải dài suốt cả cuộc kháng chiến chống Pháp, từ những ngày đầu gian khổ cho đến khi chiến thắng. Bài thơ thể hiện cảm xúc chung về đất nước từ Cách mạng tháng Tám, đặc biệt trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Đất nước thuộc loại cảm xúc thi ca mang tính tổng hợp.

2. Bình giảng khổ thơ đầu

- Ở phần đầu bài thơ, chúng ta đã bắt gặp một khung cảnh thiên nhiên Hà Nội thật đẹp, thật gợi cảm nhưng đượm buồn. Đó là thời điểm Hà Nội trước Cách mạng với hình ảnh người ra đi trong tâm trạng vừa thiết tha lưu luyến, lại vừa kiên quyết:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

- Đoạn thơ trích được mở đầu bằng một tiếng reo như thốt lên từ sâu thẳm tâm hồn nhà thơ:

Mùa thu nay khác rồi

Đó là sự khác biệt về không gian và thời gian. Một bên là mùa thu Hà Nội những năm trước Cách mạng, một bên là mùa thu kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, một bên là khung canh vắng lặng, heo hút và đượm buồn với một bên là không gian thoáng đãng, rộng rãi, vui tươi. Nhưng điều quan trọng hơn đó là sự khác biệt trong tâm trạng của con người. Nếu mùa thu cũ, tâm trạng người ra đi kiên quyết, nhưng không tránh khỏi những phút giây lưu luyến, chạnh buồn, thì tâm trạng của con người lúc này lại đầy náo nức, phấn khởi: "Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi". Tác giả không chỉ nhìn thấy, mà còn cảm nhận, lắng nghe được những biến đổi của đất trời thiên nhiên giữa chiến khu Việt Bắc những năm kháng chiến.

- Cuộc đời đổi thay, thiên nhiên cũng mang màu sắc mới. Cái tôi của nhà thơ đã hòa nhập vào niềm vui chung của cuộc đời:

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Một thiên nhiên đẹp được nhân hóa, hòa hợp với con người. Thiên nhiên không lặng lẽ, buồn vắng nữa mà như đang cất lên tiếng nói, tiếng hát, từ "rừng tre phấp phới" cho đến trời thu "Trong biếc nói cười thiết tha". Nguyễn Đình Thi miêu tả một mùa thu đẹp đang reo vui. Cảm hứng thi ca nói lên sự gắn bó của con người với thiên nhiên đất nước.

3. Bình giảng khổ thơ thứ hai

- Ở khổ thơ này, ý thức làm chủ đất nước được tác giả đặc biệt chú ý. Ba chữ "của chúng ta" vang lên đầy tự hào. Trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu viết:

Của ta trời đất đêm ngày

Núi kia đồi nọ sông này của ta

trong bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi cũng khẳng định:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Đại từ chỉ định "đây" và các điệp ngữ "của chúng ta" được nhắc lại nhiều lần làm nổi rõ tình cảm gắn bó thiết tha của tác giả với quê hương đất nước và niềm tự hào của con người chiến thắng, con người đang làm chủ giang sơn gấm vóc của Tổ quốc.

- Đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi hiện lên thật giàu đẹp, chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn, với "Những cánh đồng thơm mát - Những ngả đường bát ngát - Những dòng sông đỏ nặng phù sa". Các từ "Những" kế tiếp nhau dường như còn muốn kể thêm nhiều nữa về vẻ đẹp của đất nước.

4. Kết luận

- Khẳng định thành công của bài thơ Đất nước nói chung và của hai khổ thơ trích nói riêng.

- Nêu nhận xét về bút pháp nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Thi: trữ tình, sâu lắng và hàm súc.

BÀI CÙNG NHÓM