GỢI Ý
1. Về nội dung
Đề văn yêu cầu 2 ý: Phân tích nhân vật (ý 1), từ đó làm rõ vai trò của hình tượng này trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm (ý 2). Mối quan hệ giữa hai ý và quan hệ nhân quả, biện chứng. Trong đó y "phân tích nhân vật" cần được nhấn mạnh, đi sâu.
2. Về phương pháp
a) Kiểu bài và thao tác nghị luận: Phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự. Lí thuyết làm văn đã chỉ rõ kĩ năng, thao tác phân tích nhân vật là: Từ ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động, ý nghĩa... mà nêu ra những đặc điểm nhân vật, về số phận, tính cách, phẩm chất... Đào, nhân vật trung tâm của truyện ngắn Mùa lạc, được nhà văn Nguyễn Khải thể hiện khá sinh động, phong phú. Các yếu tố để khai thác, phân tích không thiếu, vấn đề là cần lựa chọn dẫn chứng và lí lẽ cho thỏa đáng.
Một kinh nghiệm tốt với kiểu bài này là: nên đặt nhân vật trong mối quan hệ với các nhân vật khác: Đào với Huân, với Duệ (tình bạn, tình người trong lao động tập thể), Đào với ông Dịu, trung đội trưởng phụ trách lò gạch (tình yêu, niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi)...
b) Về kết cấu, sắp xếp ý, dẫn chứng và lí lẽ: Dựa vào kết cấu của tác phẩm và yêu cầu của đề, ta có thể sắp xếp các phần các ý của bài làm:
- Dẫn dắt, phân tích nhân vật Đào: ngoại hình, tính cách, số phận, sức sống, những đổi thay cuộc đời, hạnh phúc trong lao động, hạnh phúc lứa đôi.
- Vai trò thể hiện chủ đề: Tuy là một trong hai nhân vật trung tâm (Đào - Huân), nhưng Đào vẫn nổi trội hơn, lôi cuốn người đọc và có tác dụng biểu hiện tốt nhất chủ đề "sự đổi đời" của tác phẩm.
Bút pháp của Nguyễn Khải là: Vừa dựng nhân vật (dùng miêu tả), vừa kể các chi tiết cuộc đời (trần thuật), vừa phân tích tâm lí và xen vào đôi đoạn trữ tình, triết lí. Đó là một ngòi bút tỉnh táo, nhà văn ít hóa thân trong nhân vật (khác Nam Cao, Tô Hoài) mà thường sóng đôi với nhân vật. Do đó, khi tìm hiểu, phân tích nhân vật Đào, ta có thể vừa dẫn các hình ảnh, chi tiết vừa tận dụng các câu chữ mà nhà văn bình luận, triết lí về nhân vật, về cuộc đời. vấn đề cần lưu ý là: sắp xếp, đan xen lí lẽ của người làm văn và "lí lẽ" của tác giả thiên truyện.
DÀN BÀI
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
- Số phận của con người khổ đau, bất hạnh là một chủ đề nổi bật, đậm đà tính nhân văn của nền văn học Việt Nam. Từ đầu thế kỉ XX chủ đề ấy được biểu hiện khá phong phú trong nhiều tác phẩm vẳn xuôi với những nhân vật sống động, điển hình, đầy ấn tượng: ông Sửu trong Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh, Lão Hạc, Chí Phèo trong hai tác phẩm nổi tiếng của Nam Cao. Rồi Mị, A Phủ, Tràng, bà cụ Tứ v.v...
- Trong số những nhân vật "bé nhỏ" bất hạnh ấy, nhân vật Đào trong truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải (sáng tác năm 1960) mang những nét khác, nét mới. Cái khác, cái mới rõ nhất là: Trong khổ đau, người công nhân nông trường Điện Biên ấy không buông xuôi, trái lại luôn giữ vững bản lĩnh sống khỏe mạnh, tìm đến tập thể những con người lao động giàu tình hữu ái giai cấp, lạc quan, giàu khát vọng lí tưởng để vươn lên tìm lấy hạnh phúc, hạnh phúc trong lao động, hạnh phúc lứa đôi tuổi trẻ.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Đào là một phụ nữ tuy không đẹp nhưng "gặp một lần có thể nhớ mãi" bởi những nét ngoại hình và cá tính không giống những chị em khác trong nông trường.
a) Hai tám tuổi, gò má cao, mặt đầy tàn nhang, hai bàn tay có những ngón rất to. Nổi bật nhất là, chị có đôi mắt hẹp dài, luôn đưa đi đưa lại rất nhanh (có người bảo đó là mắt lá răm đáng trăm quan tiền). Đôi mắt lá răm ấy, tưởng như không hòa hợp với khuôn mặt thô, gò má cao, song lại được cái hàm răng khểnh của người ưa đùa cợt, thích giễu vui hỗ trợ, khiến cho ai gần chị, trò chuyện, làm việc cùng chị không thể hững hờ, lạnh nhạt hoặc coi thường. Phải chăng đó là cái duyên thầm của chị, cũng là những nét chân dung đậm rõ một bản lĩnh sống mạnh mẽ, săc sảo, thông minh.
b) Tính cách sắc sảo, thông minh ấy thể hiện rất rõ ngay trong những ngày đầu chị lên nông trường Điện Biên, khi chị cất tiếng ngân nga câu ca dao "đốp lại" những người ác ý trêu chọc chị: "Huệ thơm bán một đồng mười, Huệ tàn nhị rữa giá đôi lạng vàng".
Trong khi truyện trò, tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp, Đào có biệt tài là chị thường dùng nhiều ca dao, tục ngữ, hay hat những bài dân ca, khi thì để vận vào đời mình "Trâu quá sá, mạ quá thỉ, hồng nhan bỏ bị còn gì là xuân", lúc lại muốn cất cao lên niềm tin yêu cuộc sống: "Khi vui gánh đá lên nguồn vẫn vui"... "Tháng năm cất gió đùng đùng, bước sang tháng sáu gió rồng phun mưa" v.v... Tiếp xúc với Đào, không chỉ các nhân vật của truyện bị thu hút mà chúng ta, những bạn đọc văn của Nguyễn Khải cũng khống thể hững hờ.
2. Đào là một con người từng trải qua cuộc đời bất hạnh, luôn khát khao hạnh phúc và cố gắng lao động để vươn lên.
a) Nhà nghèo, không nhan sắc, lấy phải người chồng cờ bạc bỏ nhà ra đi, rồi chết sớm. Được đứa con trai, lên hai tuổi nó cũng bỏ đi nốt. Chị sống cô đơn, "không có gia đình, đòn gánh trển vai, tới đâu là nhà, ngã đâu là giường, khi ra Hòn Gai, Cẩm Phả lấy muồng, khi ngược Lào Cai buôn gà vịt". Đi khắp nơi xuôi ngược, thành phố, nông thôn, miền rừng, miền biển, lúc nào Đào cũng phải phong phanh vài cái áo cánh nâu vá vai, một chiếc áo bông ngắn đã bạc. Nhiều luc chị muốn trở về sống ở quê hương, nhưng nào có ai, thôi đành đi mãi... khác nào một cánh chim bay mãi, một vó ngựa chạy đường dài.
b) Trong khi sống "lang thang", vất vưởng, Đào vẫn nuôi trong tâm hồn niềm khát khao hạnh phúc và tính cần cù, chăm chỉ của người lao động.
- Khi ở miền xuôi kiếm sống, có ngày ốm, nghĩ nhờ nhà người quen, Đào nhớ về cái tổ ấm gia đình bé nhỏ với đứa con trai bé nhỏ với công việc hôm sớm ở nhà vùng quê Hưng Yên xứ nhãn.
- Chị tìm lên nông trường Điện Biên. Lúc đầu chị suy nghĩ thật nặng nê: Con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm nơi hẻo lánh để quên đời cũ, những ngày tới ra sao không cần rõ... Nhưng, bản tính người lao động và cá tính sống mạnh mẽ ở người phụ nữ 28 tuổi này khiến chị không chịu buông xuôi. Trong công việc, Đào bao giờ cũng lao động một cách sôi nổi, cố gắng hết sức, không chịu thua kém ai kể cả những người trẻ khỏe nhất đội sản xuất. Trong giao tiếp, Đào cư xử chân thành, thẳng thắn, không chịu để thiên hạ coi thường...
Có thể nói, miêu tả được một số phận nhân vật và những cá tính như nhân vật Đào, nhà văn Nguyễn Khải đã tỏ rõ một cái nhìn hiện thực, thấm thìa chất nhân văn.
3. Những đổi thay của cuộc đời người phụ nữ công nhân nông trường trong lao động tập thể, trong quan hệ hữu ái giai cấp.
a) Trong công việc, khi thì đạp máy tuốt lạc, lúc vận chuyển lạc từ nông trường về kho cùng với Huân, cũng như với người khác, bao giờ Đào cũng cố gắng hết sức mình để không những không thua mà nhiều lúc còn vượt lên, vừa làm vừa vui đùa ca hát.
b) Trong ứng xử, Đào củng thật thẳng thắn, chân thành
- Chị nhận viết thơ đăng báo ở nông trường khi Huân nói đùa, yêu cầu. Và bài báo "Đường lên nông trường Điện Biên" của chị, ai ngờ, lại là thơ hay, đưa lên báo vài buổi đã được nhiều người ngâm nga, học thuộc.
- Đối với Duệ, cô nữ thanh niên ngoại thành Hà Nội, Đào rất nhiệt tình vun đắp cho tình yêu của Duệ với Huân.
Đối với Huân, chàng trai trẻ nhất, khỏe, đẹp nhất, thường chung công việc với mình và lại đang bị anh, chị em gán ghép cho mình, Đào thật hồn nhiên, khi thì đùa ghẹo, lúc lại trân trọng, tin yêu. Chị khen tài vẽ tranh, khen tiếng tiêu réo rắt, tình tứ của Huân. Đặc biệt là chị mạnh dạn giãi bày tâm sự với Huân về hạnh phúc lứa đôi của chị. Hơn Huân gần chục tuổi ma chị vẫn khiêm tốn gọi Huân là "anh" xưng mình là "em". Câu chuyện tâm tình, Đào hỏi ý Huân về việc Dịu muốn "đặt vấn đề" với chị trong đêm trăng nổi bồng bềnh qua dãy Phú Hồng, ánh trăng lọc một lớp sương mỏng, khung cảnh cứ huyền ảo, mơ màng, thật có ý nghĩa.
c) Dần dần Đào đã đổi thay, tìm được hạnh phúc
- Trước hết là sự đổi thay trong những suy nghĩ lành mạnh về cuộc sống, chị lên Điện Biên với mục đích "quên đời cũ, còn những ngày tới ra sao, không cần rõ"... sau chị cảm nhận rõ dần ý vị của cuộc sống "bây giờ bốn bể là nhà, chỉ lo sao cho thân mình được chân cứng đá mềm..." Cả tập thể đã quan tâm, giúp đỡ Đào, tiêu biểu là Huânr Duệ, Lâm...
- Dần dần, chị gắn bó với công việc, vui vẻ, chan hòa với bạn trong tập thể sôi động ở nông trường, tìm thấy ở nơi đây một quê hương mới, giai cấp.
Chị đáp lời khi đội trưởng Lâm hỏi chuyện về xuôi: "Về là về cửa về nhà, một trăm năm nữa mới đà về quê".
Chị cất cao tiếng hát khi chuyển lạc cùng Huân: "Tháng bảy thì gió vừa vừa, bước sang tháng tám gió đưa đòng dòng..."
- Và hạnh phúc lứa đôi cũng đang dần dần - như những nhánh đòng đòng tháng tám - nảy mầm, ươm sữa trong tâm hồn, trong cuộc sống của Đào.
+ Lá thư "ngỏ lời táo bạo" của ông trung đội trưởng, phụ trách lò gạch đến tay Đào vào một đêm "tím nhạt, rồi trong xanh, mờ mờ..." khiến tâm hồn Đào xáo động. Lúc đầu chị tức giận tưởng "người ta" coi thường. Sau gấp thư lại, hồi tưởng cuộc đời quá khứ long đong, cô lẻ, rồi nghĩ về những quan hệ gần đây... Đào thấm thìa nỗi xót xa của người đàn bà góa bụa. Cho đến nay "chưa ai nói được với chị một câu nào yểu thương... chưa ai khao khát đến chị, coi chị là nguồn hạnh phúc..." Vậy mà người đàn ông góa vợ đã có con riêng ấy cứ như tiếng nhạc ngân vang mãi trong lòng chị, thức tỉnh nỗi khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc mà chị cố hắt hủi vùi nén từ ngót chục năm nay, rồi chị "hình dung ra cách đối đãi với người con riêng của người rồi đây sẽ gọi là chồng". Chị tự đặt một loạt câu hỏi "nó sẽ...?" "chị sẽ..." rồi ngồi nhỏm dậy. Tuy chưa chính thức trả lời "đối tượng", nhưng những xáo động tâm hồn ấy chứng tỏ Đào đã tiếp nhận tình yêu, đã tìm được hạnh phúc.
+ Và ngay buổi tối hôm đó, khi ánh trăng bồng bềnh nổi lên, chiếc tiêu của Huân cất tiếng hát bài "Tình ca Tây Bắc", thì Đào tìm gặp Huân để "tham khảo" ý kiến. Điều kì diệu là, sau hai câu hỏi: "Anh biết anh Dịu chứ? Anh thấy anh Dịu là người thế nào?", Huân còn đang "chưa biết trả lời ra sao", thì Đào đã bộc bạch: "Em xem anh ấy cũng là người thành thật, còn con anh ấy thì mình quí nó, tất nó phải quí mình... em nghĩ mãi rồi anh ạ, em không về dưới xuôi nữa, em ở mãi đây với các anh". Và trong buổi trưa chở lạc về kho, rồi vui văn nghệ với tập thể công nhân nông trường, cùng hát hò với họ, đùa cợt cởi mở với họ, Đào đã như được sống trong hạnh phúc đích thực, hạnh phúc đồng đội cũng như được hạnh phúc lứa đôi. Chị mơ màng nghĩ: "Cái mảnh đất này đối với chị quen thuộc và thân yêu biết bao... Hai người sẽ có con. Những đứa con ấy sẽ lớn lên ở nông trường. Chúng có thể đi học ở Hà Nội, nhưng những ngày nghỉ, chúng lại trở về với bố mẹ, với quê hương...". Tác giả chưa miêu tả cụ thể một đám cưới, một mái ấm gia đình, song người đọc như đã nhìn thấy tất cả. Niềm vui trong cuộc sống lao động, niềm vui trong tập thể công nhân nông trường và hạnh phúc lứa đôi mà Đào tìm được thật giản dị, có cái gì thô mộc, song biết mấy xanh tươi, xanh tươi như mùi hăng hăng của những cây lạc tươi, mùi nồng nồng ẩm ướt của những đống lạc. Chị Đào đang bước vào mùa thu hoạch lạc hay cũng .chính là chị đang gặt hái "mùa vui" của cuộc đời chị?
4. Vai trò của hình tượng nhân vật Đào trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm.
a) Mùa lạc thuộc loại truyện "không có cốt truyện" như Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt... Nhà văn không tập trung vào một cuộc đời, một số phận với những tình tiết gay cấn, những chi tiết đột biến, bất ngờ, mà giới thiệu nhiều nhân vật với nhiều chân dung, nhiều số phận đan xen, hài hòa bổ sung, hỗ trợ lân nhau. Chúng ta gặp trong Mùa lạc Huân, Duệ, đội trưởng Lâm... và thấp thoáng đằng sau họ là cả tập thể công nhân nông trường - những con người mới trong cuộc sống mới. Tuy vậy, nhân vật Đào được Nguyễn Khải khắc họa đậm nét nhất, nổi bật nhất, với nhiều ưu ái, cảm thông và trân trọng nhất. Chân dung, tính cách số phận và những biến đổi của Đào khi ẩn, khi hiện, lúc đến thẳng, có lúc lại tạt ngang, khuất lấp sau các nhân vật khác, như Huân, như Duệ... song hình ảnh Đào, những biến diễn tâm lí của chị vẫn như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, trở thành điểm tựa để nhà văn miêu tả, kể chuyện, hoặc bình luận, triết lí, do đó, cùng với ấn tượng về Huân, người đọc không thể quên nhân vật Đào, cùng sự rung cảm trước mối tình Duệ - Huân, chúng ta thật thích thú khi đọc đến những dòng viết về "mối tình", chưa thành một "chuyên tình say đắm" của Đào. Chắc không phải ngẫu nhiên, trong cái đêm trăng rất huyền ảo thơ mộng kia, ngòi bút nhà văn đã thật nhỏ nhẹ, thì thầm, mà biết bao thấm thìa khi thuật lại những xáo động trong tâm hồn và quyết định hạnh phúc lứa đôi của Đào. Và cũng từ cái giây phút thần tiên ấy của nhân vật Đào, nhà văn đã không ngần ngại tham gia bình luận, triết lí về cuộc sống chung, về hạnh phúc riêng. Chủ đề của truyện được bộc lộ rõ ở đoạn này.
b) Phải chăng chủ đề đó là sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh, gian khổ; ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy... Nhân vật Đào đã góp phần làm sáng tỏ ý tưởng thẩm mĩ trên của tác phẩm. Nói khác đi, số phận, những biến đổi trong cuộc đời. Đào giúp người đọc nhận thức rõ ràng một chân lí cuộc sống: những con người bất hạnh trong cuộc đời xưa cũ chỉ có thể tìm được hạnh phúc trong cuộc sống mới với những môi trường tốt đẹp lành mạnh, ở đó hình thành những quan hệ mới giữa người với người, cả tập thể lao động quan tâm đến từng số phận, giúp đỡ, xây dựng cho những khát vọng chân chính của mỗi người.
III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
- Đọc Mùa lạc của Nguyễn Khải, chúng ta gặp thêm một phong cách văn xuôi khác với Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân... Đó là một ngòi bút hiện thực tỉnh táo, miêu tả, trần thuật xen với trữ tình ngoại đề và triết lí sâu sắc. Nếu biết cách đọc, chúng ta vẫn rung cảm, thích thú - một sự rung cảm đầy chất trí tuệ.
- Trở lại với nhân vật Đào, nghĩ suy về sự đổi thay của cuộc đời chị, chúng ta thật sự trân trọng nhà văn vì một quan điểm nhân đạo cách mạng. Qua những nghĩ suy, những hành động và những tiếng hát đây lạc quan của Đào, của Huân ở cuối tác phẩm, nhà văn Nguyễn Khải như đang thầm thì nhắc nhở: hãy tin yêu cuộc sống mà cha ông đã đổ bao xương máu giành từ cái chết, hãy quan tâm đến mỗi số phận, đến mọi nỗi bất hạnh của mỗi con người, của từng cuộc đời ở xung quanh ta...