A. DÀN BÀI
1. Mở bài
Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh là một bông hoa rực rỡ, tỏa hương thơm ngào ngạt trong vườn hoa văn học của dân tộc.
Giải đi sớm là một trong những bài thơ tiêu biểu của tập thơ ấy và có sức rung, sức gợi sâu xa.
2. Thân bài
2.1. Cảnh chuyển lao trong đêm
a. Bức tranh thiên nhiên
Rất khác nghiệt: đêm chưa tàn, đường xa, gió thu từng trận từng trận lạnh lẽo.
Khung cảnh thi vị:
+ Xuất hiện âm thanh quen thuộc của tiếng gà như một tiếng reo vui báo hiệu một ngày mới, một sự sống mới bắt đầu.
+ Có chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu.
- Bút pháp tả cảnh rất tinh tế, độc đáo:
+ Dùng âm thanh (tiếng gà) để chỉ thời gian.
+ Tả từ gần đến xa: tiếng gà - quần tinh - vầng trăng - đỉnh núi. Thiên nhiên càng lúc càng mở rộng trong tầm mắt tù nhân.
b. Hình ảnh tù nhân
- Tư thế, hành động:
Người đi cất bước trên đường thẳm
Rát mặt đêm thu trận gió hàn.
Tư thế của người lên đường không phải là một người tù utay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang xiềng xích” mà là tư thế của một người đang đi chiến đấu vì chính nghĩa.
- Tâm trạng: rất chủ động, bình thản, ung dung sẵn sàng vượt lên số phận, hoàn cảnh gian nan, nghiệt ngã chứ không buông xuôi trước hoàn cảnh.
2.2. Cảnh chuyển lao lúc bình minh
a. Bức tranh thiên nhiên
- Rực rỡ, ấm áp, chan hòa ánh sáng, tráng lệ:
+ “Bạch sắc dĩ thành hồng” (màu trắng đã thành màu hồng).
+ “U ám tàn dư tảo nhất không” (những rơi rớt của bóng đêm sớm hết sạch).
Ở đây có sự đối lập giữa màu hồng tươi tắn với bóng đêm u ám, lạnh lẽo.
c. Hình ảnh tù nhân
Hơi ấm bao la trùm vù trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.
- Tư thế: hăm hở, khỏe khoắn, sang trọng.
- Tâm trạng: sảng khoái, lạc quan, thi hứng nồng nàn, phơi phới một niềm tin thể hiện ở từng bước đi đĩnh đạc, thanh thoát.
3. Kết bài
Giải đi sớm là một bài thơ đặc sắc, cảm xúc nhất quán, hình tượng thơ luôn vận động hướng về sự sống ánh sáng và tương lai. Bài thơ có sự kết hợp một cách nhuần nhị vẻ đẹp cổ điển và hiện đại, chất thép và chất trữ tình, lãng mạn và hiện thực, trữ tình và tự sự cũng như sự hòa hợp giữa con người chiến sĩ và thi sĩ.
B. BÀI LÀM
Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh là một bông hoa rực rỡ, tỏa hương thơm ngào ngạt trong vườn hoa văn học của dân tộc ta. Tập thơ thể hiện một tâm hồn lớn, một nghị lực phi thường và chứa nhiều bài học quý báu về tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí chiến thắng mọi khó khản, thử thách ở mọi hoàn cảnh. Giải đi sớm (Tảo giải) là một trong những bài thơ tiêu biểu của tập thơ ấy và có sức rung, sức gợi sâu xa. Chúng ta hãy lắng đọng tâm hồn mình để thưởng thức bài thơ:
I
Gà gáy một lần đêm chửa tan,
Chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn;
Người đi cất bước trên đường thẳm,
Rát mặt đêm thu trận gió hàn.
II
Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng,
Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ,
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.
Trước khi cảm thụ, chúng ta cần tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Thật vậy, trong chuỗi ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, Hồ Chí Minh bị giam cầm và bị đày đọa rất dã man trong mười ba tháng, giải qua giải lại gần ba mươi nhà giam của 13 xã và huyện của tỉnh Quảng Tây. Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên cho biết:
"Tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích, có sáu nguời lính mang súng giải đi. Cụ Hồ Chí Minh đi mãi, đi mãi nhưng vẫn không biết đi đâu. Dầm mưa dãi nắng, trèo núi qua truông.
Mỗi buổi sáng, gà gáy đầu, người ta giải Cụ Hồ đi. Mỗi buổi chiều, khi chim về tổ, người ta dừng lại trong một địa phuơng nào đó, giam Cụ vào lim trên một đống rạ bẩn, không cời trói cho Cụ ngủ.
Gian khổ như vậy, nhưng Cụ vẫn vui vẻ. Cụ sung sướng được thấy phong cảnh thay đổi. Cụ Hồ vừa đi vừa ngân nga. Thỉnh thoảng Cụ Hồ làm thơ...”.
Bài thơ trên đã nảy sinh từ một cuộc ugiải đi sớm” như vậy. Bài thơ chia làm hai khổ. Khổ I là cảnh chuyển lao trong đêm. Khổ II là cảnh chuyển lao lúc bình minh.
Ở khổ 1, bức tranh thiên nhiên hiện lên rất khắc nghiệt: đêm chưa tàn, đường xa, gió thu từng trận từng trận lạnh lẽo. Vả lại, khung cảnh hết sức thi vị, có âm thanh quen thuộc của tiếng gà như một tiếng reo vui báo hiệu một ngày mới, một sự sống mới bắt đầu. Trong tập Nhật kí trong tù, Hồ Chí Minh cũng đã có lần miêu tả:
Ngươi tuy chỉ một chú gà thường.
Báo sáng, ngày ngày tiếng gáy vang,
Một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng,
Công người đâu có phải là xoàng.
(Nghe gà gáy)
Tuy chỉ một tiếng gà nhưng đủ làm “lay động cả không gian và gây ấn tượng về sự chuyển dộng của thời gian, xua tan cái tĩnh lặng khủng khiếp của đêm tối”. Đặc biệt còn có “Quần tinh ủng nguyệt hương thu san” (Chòm sao nâng vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu). “Quần tinh” là đông đảo các ngôi sao xúm xít với nhau, lại có ý nghĩa như đám đông tùy tùng xúm quanh hầu vầng trăng, đưa vầng trăng lên đỉnh núi mùa thu cao chất ngất. Do đó, không gian trên bức tranh thơ được mở ra, nâng lên ở tầm cao mênh mông, bát ngát, sống động.
Có thể nói bút pháp tả cảnh của Hồ Chí Minh rất tinh tế, độc đáo. Nhà thơ dùng âm thanh (tiếng gà để chỉ thời gian). Ở đây, cách chỉ thời gian rất mộc mạc, dân dã: đêm khuya nhưng không mịt mùng, ảm đạm, trái lại, rất vui và đẹp. Ngoài ra, nhà thơ miêu tả từ gần đến xa: tiếng gà - quần tinh - vầng trăng - đỉnh núi. Thiên nhiên càng lúc càng mở rộng trong tầm mắt tù nhân. Chính nghệ thuật nhân hóa tu từ đã gợi ra cái sắc hồn của cảnh thiên nhiên, làm cho cảnh trở nên hữu tình, gần gũi, thân thiết với con người.
Bên cạnh bức tranh thiên nhiên là hình ảnh tù nhân:
Chinh nhân dĩ tại chinh đồ thượng,
Nghênh diện thu phong trận trận hàn
(Người đi xa đã cất bước trên đường xa,
Gió thu táp mặt từng cơn từng cơn lạnh lẽo).
“Chinh nhân” nghĩa là “người đi xa”; dịch là “cất bước” thì không chính xác. “Nghênh diện” là “đón mặt”; dịch là “rát mặt” thì sai ý tác giả, làm cho lời thơ như lời than thở. “Chinh đồ thượng” là “trên đường xa”, dịch là “đường thẳm” làm cho âm hưởng thơ trở nên yếu đuối. Cả câu cuối khổ I có hai từ “trận” (Nghênh diện thu phong trận trận hàn), bản dịch thơ bỏ mất đi một chữ làm mất đi âm hưởng khỏe khoắn của tứ thơ cũng như sự khắc nghiệt của thời tiết. Vậy nên, theo nguyên tác, chúng ta thấy tư thế của người lên đường không phải là một người tù “tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích” mà là tư thế của một người đang đi chiến đấu vì chính nghĩa. Hơn nữa, tâm trạng của tù nhân rất chủ động, bình thản, ung dung, sẵn sàng vượt lên số phận, hoàn cảnh gian nan, nghiệt ngã chứ không buông xuôi trước hoàn cảnh.
Có thể nói, hình ảnh tù nhân hiện lên trong bức tranh thơ rất vững vàng, cao cả, bình tĩnh, tự tin, hiên ngang, bất khuất.
Nếu khổ I nhà thơ miêu tả cảnh chuyển lao trong đêm tối thì ở khổ II, là cảnh chuyển lao lúc bình minh. Tại thời điểm này, bức tranh thiên nhiên rất rực rỡ, ấm áp, thi vị, tráng lệ, chan hòa ánh sáng: “bạch sắc dĩ thành hồng” (màu trắng đã thành màu hồng), “u ám tàn dư tảo nhất không” (những rơi rớt của bóng đêm sớm hết sạch), ở đây có sự đối lập giữa màu hồng tươi tắn với bóng đêm u ám, lạnh lẽo. Sự chuyển biến nhanh chóng, đột ngột từ tối sang sáng ấy có ý nghĩa tượng trưng cho tương lai tốt đẹp của cách mạng. Chính ánh sáng bừng bừng của lí tưởng cách mạng đã xua tan đi đêm tối leo lét, mông mênh của những cuộc đời nô lệ, lầm than ở xã hội cũ.
Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ mang vẻ đẹp hùng vĩ, “khí dương thắng khí âm, ánh sáng thắng bóng tối, ấm áp thắng lạnh lẽo” và dào dạt nhựa sống.
Bên cạnh bức tranh thiên nhiên là hình ảnh tù nhân:
Noãn khí bao la trùm vũ trụ,
Hành nhân thi hứng hốt gia nồng.
(Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng).
Cái tư thế người đi như vậy là rất hăm hở, khỏe khoắn, sang trọng. Mặt khác, tâm trạng người đi vô cùng sảng khoái, lạc quan, thi hứng nồng nàn, phơi phới ở niềm tin từng bước đi đĩnh đạc, thanh thoát. Có thể nói, sự vận động của cảm xúc, của tâm hồn, của tư tưởng nhà thơ song song với sự vận động của thiên nhiên, của vũ trụ bao la.
Ở đây hình ảnh tù nhân là một thi sĩ, chiến sĩ, với tâm hồn dạt dào cảm xúc, nhạy cảm với thiên nhiên nồng ấm lúc bình minh.
Một lần nữa nhìn tổng thể cả hai khổ thơ, chúng ta thấy bài thơ có đầu đề là Giải đi sớm - giải tù nhân đi - nhưng trên bức tranh thơ hoàn toàn không có bóng dáng của tù nhân mà chỉ có bóng dáng của một thi sĩ, chiến sĩ đang chủ động, ung dung trên đường ngoạn cảnh và làm thơ. Nếu đặt bài thơ trong hoàn cảnh ra đời cụ thể của nó - tác giả là người tù đang bị đày đọa cực khổ trên con đường lưu đày - thì hình ảnh thiên nhiên được thể hiện như vậy đã nói lên một ý chí kiên cường, một tinh thần nghị lực thép vững chắc của tâm hồn Hồ Chí Minh. Thêm vào đó hình ảnh người đi trên con đường xa xôi, cách trở từ đêm tối đến bình minh, từ giá lạnh đến ấm áp, từ gian khổ đến niềm vui còn có thể có ý nghĩa biểu tượng: con đường cách mạng tuy dày đặc, đầy chông gai, nguy hiểm, khó khăn, trắc trở nhưng là con đường tất thắng. Hơn thế nữa, bài thơ còn toát lên tấm lòng nhân đạo bao la, nhân đạo đến quên mình của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng Hồ Chí Minh: mọi vui buồn của Người đều gắn với mọi vui buồn của nhân loại chứ không phụ thuộc vào cảnh ngộ của riêng mình.
Tóm lại, Giải đi sớm là một bài thơ vô cùng đặc sắc, cảm xúc nhất quán, hình tượng thơ luôn vận động hướng về sự sống ánh sáng và tương lai. Bài thơ có sự kết hợp một cách nhuần nhị vẻ đẹp cổ điển và hiện đại, chất thép và chất trữ tình, lãng mạn và hiện thực, trữ tình và tự sự cũng như sự hòa hợp giữa con người chiến sĩ và thi sĩ. Vả lại bài thơ còn phản ánh được vài nét tiêu biểu về tư tưởng, đạo đức, tình cảm của Hồ Chí Minh. Nhưng đáng ghi nhớ nhất là bài thơ này là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản bao la, chủ nghĩa lạc quan cách mạng vô bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.