Cuộc sống là một hành trình để mỗi người chúng ta hoàn thiện bản thân mình. Muốn vậy, chúng ta cần phải có sự tu dưỡng và rèn luyện bản thân lâu dài. Trong quá trình ấy, việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của người đi trước là một bí quyết để nhanh chóng đạt được thành công. Ý kiến của Xi-xê-rông là một lời khuyên ý nghĩa lớn đôi với quá trình tu dưỡng và rèn luyện của con người đặc biệt là người học sinh: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.
Trong câu nói của Xi-xê-rông, đức hạnh thường được dùng để chỉ những tính nết tốt (“Nàng có phải là người đức hạnh?” - Ham-lét, sếch-pia) nhưng chúng ta nên hiểu ý nghĩa của từ này một cách rộng nhất, đó là đạo đức, nhân cách của mỗi người. Hành động ở đây cần được hiểu là những việc làm, thái độ thể hiện ra bên ngoài của con người.
“Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Câu nói của Xi-xê-rông mang ý nghĩa: Những tính nết tốt đẹp của con người đều được thể hiện ở những hành động của con người ấy. Điều này khẳng định mối quan hệ giữa tư tưởng và hành động, đó là mối quan hệ thống nhất: tư tưởng nào thì hành động ấy.
Thật vậy, có thể thừa nhận rằng đức hạnh chính là là cội nguồn tạo ra những hành động của con người.
Nếu chúng ta có tư tưởng, suy nghĩ đúng đắn thì sẽ có hành động tốt đẹp. Là ngựời có lòng tự trọng, người học sinh sẽ biết tự giác trong học tập, chủ động hoàn thành nhiệm vụ của bản thân trong gia đình, nhà trường và xã hội. Là người có lòng thương người, chúng ta biết chủ động trong việc giúp đỡ người hoạn nạn, ...
Ngược lại, nếu có tư tưởng và những suy nghĩ sai thì điều đó tất yếu dần đến những hành động, việc làm sai trái. Một kẻ dối trá, xảo quyệt sẽ bộc lộ bản chất ở những hành vi ăn cắp, nói dối, lựa lọc. Kẻ lười biếng lại tự tố cáo mình trong hành động quay bài, gian lận trong kiểm tra, thi cử, ...
Mặt khác, chính những hành động thường ngày hoặc trong những hoàn cảnh đột xuất lại là biểu hiện của đức hạnh. Có điều đó bởi những hành động tốt đẹp thường xuất phát từ những tư tưởng đúng đắn, tiến bộ. Những việc làm sai trái có cội nguồn là những quan niệm, tư tưởng có nhiều hạn chế. Không phải ngẫu nhiên những người già thường dành tặng lời khen quý giá “Cháu ngoan quá!”, “Bố mẹ cháu thật có phúc”, ... cho những bạn học sinh biết giúp đỡ người già trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Và tương tự như vậy nhưng những hành vi như cãi lời cha mẹ, nói trông không với ông bà,... được coi là những biểu hiện của sự bất hiếu, hư hỏng, ...
Đứng trước một sự thật như vậy, người học sinh chúng ta rút ra bài học gì cho quá trình tu dưỡng và rèn luyện bản thân mình?
Cha ông ta ngày trước có một câu nói thật vui: “Tư tưởng không thông thì vác bình tông không nổi”. Bên cạnh tính hài hước, câu nói còn mang một chân lí sâu xa: nếu không có tư tưởng thông suốt, đúng đắn thì chẳng làm được việc gì. Vì vậy, trước hêt, mỗi học sinh cần trau dồi đạo đưc, tư tưởng, tình cảm,... hay chính là đức hạnh của mình để có những hành động đúng và đẹp. Với cha mẹ, chúng ta là con cái nên cần biết nghe lời, thể hiện sự hiếu thuận, ngoan ngoãn. Với thầy cô, chúng ta là học trò nên phải biết lễ phép, khiêm nhường. Trong các quan hệ xã hội khác, phải .biết xác định đúng vị trí của bản thân để có những tư tưởng, suy nghĩ đúng đắn.
Không chỉ là tư tưởng, một điều quan trọng khảc là những hành động của chúng ta được thể hiện như thế nào. Bởi có thể khẳng định rằng, chính hành động là yếu tố tác động trực,tiếp đến mọi biến chuyển của sự vật, sự việc. Vì vậy, mỗi chúng ta cần có những hành động chín chắn để thể hiện đúng đức hạnh của mình. Người xưa có câu: “Uôn lưỡi bảy lần trước khi nói” cũng là vì thế. Mỗi việc làm, hành động phải là kết quả của sự cân nhắc, suy nghĩ đầy đủ tránh sự nông nổi, bồng bột để mọi người xã hội hiểu lầm hoặc đánh giá sai đức hạnh của bản thân.
Như vậy, ý kiến của Xi-xê-rông đã phản ánh một chân lí của cuộc sống: giữa tư tưởng và hành động có một sự thống nhất bền vững. Vận dụng kinh nghiệm của những người đi trước, với tư cách là thế hệ đi sau, chúng ta nên vận dụng chân lí trên một cách đúng đắn và thể hiện điều đó trong việc học tập, tu dưỡng của bản thân.