Bình luận câu cổ ngữ: “Ngọc vô cùng qúy giá, nhưng ngọc tâm hồn còn qúy giá hơn nhiều"

Sống ở trên đời đã mấy người có ngọc làm gia bảo, làm đồ trang sức, làm tài sản? Thế mà cổ ngữ lại có cầu: “Ngọc vô cùng quý giá, nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều”.

Một sự so sánh nhiều ý nghĩa, giúp cho mỗi chúng ta hiểu rõ và trân trọng giá trị của ngọc tâm hồn.

Ngọc còn có tên là hạt minh châu rất quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, hơn hẳn vàng, Ngọc rất cứng, có màu sắc lóng lánh, đủ loại: bạch ngọc, hồng ngọc, ngọc lam, huyền ngọc, ngọc lưu li... Ngọc được chế tác thành nhiều vật dụng tuyệt đẹp: chén ngọc, ấn ngọc, tượng ngọc, đồ nữ trang... Trên thị trường thế giới, có những viên ngọc giá nhiều triệu đô la.

Thật vậy, ngọc vô cùng quý giá. Đã mấy ai sở hữu được ngọc; có ngọc làm tài sản, làm đồ gia bảo?

“Nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều” là tại sao?

Trong câu cổ ngữ này, ngọc tâm hồn là một ẩn dụ, một hình tượng nhằm khẳng định, ngợi ca tâm hồn đẹp hơn, trong sáng hơn, quý giá hơn thứ ngọc vật chất.

Tâm hồn thì người nào chẳng có, nhưng ngọc tâm hồn thì không phải ai cũng có. Không phải đá nào cũng có ngọc. ‘Người ba đấng, của ba loài” (Tục ngữ). Không phân biệt tuổi tác, giới tính, học vấn, địa vị xã hội... mà có ngọc tâm hồn.

Một em bé học sinh nhảy xuống hồ Bảy Mầu cứu bạn thoát khỏi chết đuôi. Một cụ già “thất thập cổ lai hi”, trước lúc qua đời gửi lại sổ tiết kiệm, với lời trăng trối “gửi tặng các cháu mồ côi”. Một thầy thuôc giàu y đức cứu chữa được nhiều người bệnh mà không hề lấy tiền công, tiền thuốc,... Đó là những tấm gương sáng ngời ngọc tâm hồn mà báo chí từng ngợi ca, hàng triệu người ngưỡng mộ.

Không phải có học vấn cao, chức vụ cao, giàu sang phú quý... mà có ngọc tâm hồn. Người có ngọc tâm hồn là người giàu tình thương, thương mình, thương người, biết san sẻ, đồng cảm, cưu mang đồng loại. Có tấm lòng “thương người như thề thương thân”, coi trọng tình người hơn vàng bạc... là có ngọc tâm hồn.

Phong cách sông của người có ngọc tâm hồn rất đẹp: thanh cao, bao dung, lễ độ. Khổng Tử có nói: “Văn nhã, hòa khí, khiêm tốn là cốt cách kẻ sĩ”. Phải chăng văn nhã, hòa khí, khiêm tôn là ngọc tâm hồn?

Cách ứng xử của người có ngọc tâm hồn bất cứ hoàn cảnh nào, tình thế nào đều thể hiện một tâm thế, một bản lĩnh rất đẹp, như người xưa đã nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.

Ngọc tâm hồn là một giá trị tinh thần, có thể biến đổi trong thời gian và không gian. Nó có thể phai mờ, cũng có thể mỗi ngày thêm tỏa sáng. Cho nên phải tu dưỡng, rèn luyện như ông cha từng nhắc nhở: “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Trang sách giáo khoa và những lời dạy dỗ, giáo huân của thầy cô giáo là những nhân tố bồi đắp nuôi dưỡng ngọc tâm hồn của tuổi trẻ.

Tiếng ru, điệu hát của bà, của mẹ là chất liệu hình thành và làm sáng trong ngọc tâm hồn của tuổi thơ. Có đứa con, đứa cháu nào dám quên?

Mẹ ru cái lẽ ở đời,

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn.

Bà ru mẹ, mẹ ru con,

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng'?

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Nguyễn Du)

Nhân dân ta có nhiều câu ca trở thành điệu ru, tiếng hát nói về ngọc tâm hồn, mà nhiều người luôn nhắc nhở để làm bài học:

Thà chết vinh còn han sống nhục.

Thác trong còn hơn sống đục.

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Ngọc kia có giũa có mài,

Mới thành hữu dụng kẻo hoài ngọc đi.

Tóm lại, “Ngọc vô cùng quý giá, nhưng ngọc tâm hồn còn quý giá hơn nhiều”. Ngọc tâm hồn là thứ tài sản tinh thần vô giá của đời người. Người có ngọc tâm hồn thật đáng quý trọng.

Tuổi trẻ cần phấn đấu học tập văn hóa ngoại ngữ, khoa học kĩ thuật, và rèn luyện tu dưỡng đạo đức để có ngọc tâm hồn, ngẩng cao đầu trước thiên hạ. Đừng nên “ăn xổi ở thì”, mà phải biết: “Vô kiến tiểu lợi, vô cầu tốc thành”, nghĩa là không coi trọng cái lợi nhỏ trước mắt, không vội vàng để mong thành đạt.

BÀI CÙNG NHÓM