Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" gợi cho em những suy nghĩ gì

1. Mở bài

- Tình cảm tương thân tương ái là một điểm nổi bật trong quan niệm sống của người xưa. Bên cạnh những câu tục ngữ ca dao thông dụng như "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng" hoặc "Thương người như thể thương thân", nhân dân ta cũng thường nhắc nhở: "Lá lành đùm lá rách".

- Nội dung chứa đựng trong câu tục ngữ trên có thể xem như bài học về đạo lí, phản ảnh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước.

2. Thân bài

a. Ý nghĩa câu tục ngữ

- Nghĩa đen: cho thấy một hiện tượng bình thường trong sinh hoạt hằng ngày: dùng lá cây để gói hàng, nếu lá bị rách, người ta lấy tấm lá lành bọc lại bên ngoài cho chắc chắn.

- Nghĩa bóng: hình ảnh lá lành, lá rách tượng trưng cho con người ở những hoàn cảnh khác nhau, lúc yên ổn, thuận lợi, lúc khó khăn, hoạn nạn. Bằng lối nói tượng trưng, câu tục ngữ ngụ ý khuyên ta nên biết chia sẻ, giúp đỡ những người lâm cảnh ngộ gieo neo, cùng quẫn.

b. Đánh giá vấn đề

- Câu tục ngữ đã biển hiện tình cảm cao đẹp trong quan hệ giữa người với người, khuyên nhủ ta đừng ngoảnh mặt quay lưng trước sự bất hạnh của người khác, mà trái lại, nên biết quan tâm giúp đỡ che chở người gặp hoạn nạn cho qua bước khó khăn.

- Trong đời sống, hoàn cảnh con người thay đổi bất thường, khi thành, khi bại. Nếu có thái độ thông cảm, biết giúp nhau khi hoạn nạn thì đó chính là bước đầu tạo cơ sở đoàn kết thân ái, tránh được mầm mống chia rẽ, xung đột (Dần chứng: trong lớp học, tập thể biết quan tâm giúp đỡ bạn bè nghèo khó; ngoài xã hội, mọi người tích cực tham gia hoạt động cứu trợ người nghèo khổ, cô đơn...).

- Tình cảm nhân đạo là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi người cần phải có để làm nền tảng xây đựng một xã hội bình đẳng, thân ái. Thờ ơ trước nỗi đau của người khác là thái độ ích kỉ, vô lương tâm.

- Trong đời sống khó khăn hiện nay, hơn lúc nào hết, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau cần phải được nâng thành ý thức tự giác ở mỗi chúng ta.

c. Mở rộng, bổ sung vấn để

- Câu tục ngữ được truyền lại qua nhiều thế hệ đã khẳng định truyền thống cao quý trọng đạo làm người của dân tộc ta. Đó chính là cơ sở tạo nên sức mạnh đoàn kết để chúng ta lần lượt đánh thắng thù trong giặc ngoài.

- Tuy nhiên, cần đánh giá đúng tinh thần của câu "Lá lành đùm lá rách". Giúp đỡ người yếu đuối, khó khăn là bổn phận cần thiết nhưng hành động ấy không xuất phát từ động cơ cá nhân, không phải lối ban ơn trịch thượng mà phải bắt nguồn từ tình cảm chân thành yêu thương, thông cảm giữa người với người.

- Người được giúp đỡ cũng không nên ỷ lại, sống nhờ vào tình thương của người khác để trở nên lười biếng, thụ động. Cần vươn lên xứng danh với người giúp đỡ che chở mình, có thể mới hình thành quan hệ bình đẳng, tốt đẹp.

3. Kết luận

- Khẳng định ý nghĩa và giá trị câu tục ngữ.

- Liên hệ: Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết, tương trợ trong học tập, lao động, sẵn sàng tham gia các công tác cứu trợ xã hội. Tuy nhiên, cần chống tư tưởng ỷ lại, khuyến khích tinh thần tự lực cánh sinh.

BÀI CÙNG NHÓM