Văn tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm: Mùa thấm sương đêm

Những ngày cuối năm, khí trời se lạnh. Cái lạnh không cắt da cắt thịt như xứ Bắc, nó mang chút gì đó nhè nhẹ, từ từ làm... mát da mát thịt. Khắp nơi, thiên hạ chộn rộn, náo nức chào đón Giáng Sinh, cùng vui chơi Noel, đổ xô về Trung tâm Thành phố với những ánh đèn hoa lộng lẫy của phố thị... Những suốt một dãy đồng bằng Tân Kiên, Tân Túc, Tân Nhật, Tân Tạo... thuộc ngoại thành Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh, và cả những vùng Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Bửu, Bến Lức... của Long An, người dân thôn quê lại bước vào mùa câu ếch với những bước chân thấm đẫm sương đêm!

Mùa này, đồng lúa đang vào thì con gái, xanh mướt một màu, nhìn mút mắt. Có nơi chúng lác đác trổ đòng đòng, mùi thơm bát ngát. Khi màn đêm buông xuông, dọc theo các bờ ruộng, các cô cậu ếch đổ xô ra đi... dạo mát, ngắm trăng sao và tìm bắt các loại côn trùng đang nhởn nhơ bay lượn. Để dụ khi ếch, người ta chỉ cần đôi chục cây cần câu là sáng mai tha hồ... măm măm!

Ngay từ chiều chạng vạng, dân câu ếch đã đi trinh sát địa hình, buông câu. Cần câu không cắm buông mồi xuống nước mà trên... mặt đất. Trước tiên, dân câu móc đất đắp thành một mô nhỏ cỡ bàn tay xòe cạnh bờ ruộng, đổ lên đó mồi nhử làm bằng một hỗn hợp, theo bí quyết riêng của từng người. Có thể nước ngâm cá biển, rau húng, gạo rang... tạo ra một mùi thơm có thế thu hút các cô cậu êch cách đó hàng trăm mét. Sau đó, dân câu móc mồi trùn hổ (giun) vào lưỡi câu, cắm cần sao cho mồi treo lủng lẳng trên mô đất.

Trong đêm, mùi thơm bay xa, trùn hổ phát ra ánh sáng gióng như lân tinh... sẽ làm mê mẫn những cô cậu ếch háo mồí!

Khoảng một tiếng, người ta lại đi thăm câu một lần. Cái cảm giác tóm được chú ếch đang nhảy lưng tưng dưới ánh sáng của chiếc đèn bình acquy, nắm nó vào tay giữa đồng lúa đêm ngào ngạt, sực nức hương thơm, trong cái se lạnh cuối năm, trên đầu một vầng trăng khuyết. Và những vì sao nhấp nháy... thật khó quên. Cũng có khi câu dính ếch, rắn hổ nghe ếch kêu, nhào đến nuô't trọn... làm dân câu nhiều phen... hoảng hồn.

Một đêm dần sương, người dân quê có thê kiếm được một, hai kí ếch. Nhà ai nghèo quá thì đem bán, vài chục ngàn đồng/kg, lấy tiền chi dùng trong gia đình. Còn không để đó làm thức ăn với các món ăn dân dã: kho sả ớt, nhúng bột chiên, nấu cà ri, nướng kẹp...! Ư, rất dân dã nhưng lại là đặc sản nhà hàng của giới thượng lưu! Và từ bao đời nay, những cô cậu ếch đã gắn chặt với người dân quê tôi như bóng với hình! Ngoài tiếng gà gáy, chó sủa, cu gù... còn có tiếng ếch kêu "quệt, quệt" làm khắc khoải, nhớ thương trong lòng người xa xứ!

BÀI CÙNG NHÓM