Đây là vùng bãi biển đẹp nổi tiếng trải dài từ cửa sông Minh Lương (Cửa Tùng Luật - nơi sông Hiền Lương đổ ra biển ở địa phận hai làng Cát Sơn (Phía Nam), An Hòa (Phía Bắc) đến mũi Hàu). Xưa, đây là địa phận của phường Vĩnh An - Tổng An Du - phủ Vĩnh Linh - tỉnh Quảng Trị. Cửa Tùng vừa có những dải cát dài, những mũi đá, và cả những đồi đất đỏ... rất hiếm có trên dọc suốt 3.260km bờ biển Việt Nam.
Nguyên xưa, địa danh Cửa Tùng bao gồm một vùng rộng lớn của các vùng phía Đông huyện Minh Linh (Vĩnh Linh và Gio Linh ngày nay). Các phát hiện về khảo cổ học cho thấy: Cửa Tùng có nền văn hóa lâu đời hình thành từ thời kì Đại Đá Mới. Từ thế kỉ thứ XI đến cuối thế kỉ XIX, Cửa Tùng là một cảng thị sầm uất có vai trò to lớn, trong sự phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa của xứ Đàng trong...
Sau Hiệp ước Patơnốt (1884) cùng với việc củng cố chính quyền thống trị thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa. Chính quyền người Pháp đã phát hiện ra vẻ đẹp kì thú nên thơ của Cửa Tùng. Alaborde - một người Pháp rất am tường về Đông Dương và Quảng Trị đã mô tả: "Cửa Tùng có một sắc thái rất đặc biệt bởi cao nguyên xanh tươi ở độ cao 20m... Từ trên đồi con dốc người ta chiêm ngưỡng những màu xanh luôn biến đổi của biển và trời... Cửa Tùng có đủ các yếu tố để hàng năm du khách có thể đến đây nghỉ mát".
Năm 1896, Khâm sứ Trung Kì Briere đã cho xây dựng nhà nghỉ ở đây. Đến thế kỉ thứ XX, các cha cố, chủ đồn điền, vua quan nhà Nguyễn cho xây dựng nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà dây thép... tại đây. Và từ đó, bãi tắm Cửa Tùng được mệnh danh là Nữ hoàng của các bãi tắm, Bà chúa của bãi tắm, Hòn ngọc của biển Thừa Lương...
Thật vậy, từ sắc thái đổi màu trong ngày đến cảnh quan khá đặc biệt đã tạo nên một vẻ hấp dẫn. Phía Nam là những dải cát dài (mà Lê Quý Đôn gọi là đại Trường sa). Phía Tây là nhưng làng quê đất đỏ mướt xanh hồ tiêu, mít, chè. Phía Bắc là mũi Hàu, mũi si Giống như những con khủng long khổng lồ phơi mình cho sóng biển vuốt ve. Cửa Tùng là một bãi tắm đẹp và an toàn, độ thoải mái của bãi tắm khá đặc biệt: từ trong bờ lội ra đến 400 - 500m nước chỉ sâu 1,5 - 1,7m. Độ mặn của nước biển vừa phải: nhạt hơn các vùng biển phía Nam, đậm đà hơn các bãi tắm Nhật Lệ, Cửa Lò... Đặc biệt, Cửa Tùng tọa lạc trên một cùng cách xa các khu công nghiệp nên môi trường nước và không khí không bị ô nhiễm. Mặc dù là bãi tắm mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 9) song Cửa Tùng lồng lộng gió đông nam (mà dân địa phương gọi là gió nồm), vì thế cái nóng, bốc lửa của gió lào về cách Cửa Tùng từ 6 -7m bị "vô hiệu hóa" hoàn toàn. Nhà văn Nguyễn Tuân viết: "Thiên nhiên tháng bảy trên biển Cửa Tùng càng về chiều càng như một bà thợ nhuộm quảng cáo dần cho cái tủ thuốc màu bách biến vạn hóa của mình." Tất cả những cánh buồm nước ngọt buồm nước mặn trên bể đêm, ửng lừ một sắc mai cua vỏ tôm nguội lửa. Ngoài khơi xa, nằm trên ngấn Thái Bình Dương, đảo Hòn cỏ bập bềnh đỏ: một hòn than hoa chưa vạc hết ruột đá. Trên chỏm những đụn cát hồng, đông sa sâm của những em bé đang đào cho đồng y rực lên cái đằm thắm của ráng chiều...
Do đặc điểm cấu tạo của địa chất Cửa Tùng vừa là bãi ngang vừa là chân rạn. Đặc điểm này không thuận lợi phát triển các ngư trường lớn, nhưng lại thuận tiện để phầt triển nhiều loại hải sản quý hiếm và ngon nổi tiếng như: Chim, Thu, Nhụ, Đé, cá Cam, tôm Hùm; các loại, cua, ốc, hầu gai, tảo biển, hến... nói chung ở đây có đủ điều kiện, để đảm bảo nhu cẳu ẩm thực của du khách bốn phương.
Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Cửa Tùng được đầu tư xây dựng khá quy mô và đẹp. Người Pháp cho xây đường xá (tỉnh lộ 70) đặt trạm bưu biện, ngân hàng và nhà nghỉ cho các quan chức thực dân, nơi cách li ru ngủ vua Duy Tân. Hệ thống nhà nghỉ nguy nga tráng lệ.
Tại đây vị vua yêu nước Duy Tân đã tô nạp những nhân sĩ, trí thức bàn luận về việc nước. Ông đã nói một câu khẳng khái: "Tay nhớp lấy nước mà rửa, nước nhớp lấy máu mà rửa?".
Cửa Tùng là bảo vật của thiên nhiên ban tặng, qua dặm dài lịch sử đất nước Cửa Tùng là một "điểm nhấn" trong một không gian văn hóa du lịch nổi tiếng. Sông Bến Hải - cầu Hiền Lương; Làng địa đạo Vịnh Mốc; Bãi Cửa Tùng; rừng nguyên sinh Rú Lịnh.
Nếu được quy hoạch và đầu tư thích hợp, khu danh thắng Cửa Tùng chắc chắn sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước. Đó là một việc làm rất cần thiết trong phát triển kinh tế, xã hội; văn hóa - du lịch trên vùng đất Quảng Trị anh hùng.