tailieunhanh - Biên lợi nhuận là gì ?

Biên lợi nhuận (profit margin) là tỷ lệ được tính toán bằng cách lấy lợi nhuận chia cho doanh thu. Chỉ số này cho biết mỗi đồng doanh thu tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập. | Biên lợi nhuận là gì? Đăng vào lúc Wednesday, January 5, 2011 bởi CTIT Biên lợi nhuận (profit margin) là tỷ lệ được tính toán bằng cách lấy lợi nhuận chia cho doanh thu. Chỉ số này cho biết mỗi đồng doanh thu tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập. Biên lợi nhuận là một công cụ đơn giản, trực quan và rất hiệu quả, bởi lẽ nó so sánh lợi nhuận (kết quả cuối cùng) với doanh thu (yếu tố đầu tiên hình thành nên lợi nhuận), cả hai lại tương xứng với nhau về thời gian. Biên lợi nhuận được biểu hiện bằng con số phần trăm(%), ví dụ nếu biên lợi nhuận là 15%, tức là một công ty sẽ tạo ra được 0,15 đồng thu nhập trên mỗi đồng doanh thu bán hàng. Có hai loại biên lợi nhuận: biên lợi nhuận sau thuế và biên lợi nhuận trước thuế. Biên lợi nhuận sau thuế Biên lợi nhuận sau thuế bằng tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế so với doanh thu. Biên lợi nhuận trước thuế Biên lợi nhuận trước thuế là tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với doanh thu. Những nhà phân tích và đầu tư thường nghiên cứu cả hai chỉ số này. Một số người thích sử dụng chỉ số trước thuế hơn, vì chúng thể hiện khả năng sinh lời thực tế hơn mà không gặp phải rắc rối vì các loại thuế. Ý nghĩa lớn nhất của việc tìm hiểu biên lợi nhuận chính là ở chỗ “biên” (margin). Biên sẽ đóng vai trò một vùng đệm giữa doanh thu và chi phí. Về lý thuyết, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao có thể tồn tại vững vàng trong bối cảnh chi phí leo thang. Ngược lại, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp chỉ có thể tăng lợi nhuận bằng cách đẩy mạnh doanh thu. Khi gặp đợt gia tăng chi phí, những doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn. Như vậy, việc theo dõi biên lợi nhuận theo thời gian không chỉ giúp nhà quản lý chủ động ứng phó với cơ hội và nguy cơ từ thị trường, mà còn giúp nhà đầu tư tránh những nhận định cảm tính để nhận diện được những doanh nghiệp có tiềm lực trong cơn bão giá. Biên lợi nhuận cũng đặc biệt hữu dụng khi so sánh các doanh nghiệp cùng ngành. Nó có thể chỉ ra ngay lập tức những lợi thế doanh nghiệp có được so với các doanh nghiệp khác. Thông thường, doanh nghiệp nào có biên lợi nhuận cao hơn chứng tỏ doanh nghiệp đó có lãi hơn và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh của nó. Nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm công ty có tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi đồng doanh thu cao, vì họ tin rằng biên lợi nhuận càng cao thì khả năng kiểm soát và cân bằng kinh doanh của công ty càng lớn. Chẳng hạn, khi xem xét về hai công ty X và Y. Năm 2010, công ty X có lợi nhuận sau thuế là 16 tỷ đồng, doanh thu bán hàng là 150 tỷ đồng. Trong khi các số liệu tương ứng của Y là 20 tỷ đồng và 210 tỷ đồng. Nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận của hai công ty thì rõ ràng Y đã thu lợi nhiều hơn X. Nhưng nếu nhìn vào biên lợi nhuận thì rõ ràng mức của X là 10,6%, cao hơn của Y là 9,5%. Sự khác biệt tưởng chừng không lớn nhưng đôi khi đó chính là lý do khiến cổ phiếu X được ưa chuộng hơn cổ phiếu Y. Lưu ý: - Biên lợi nhuận không trực tiếp đo lường khả năng sinh lợi, do chỉ số này dựa trên tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, chứ không dựa trên các tài sản doanh nghiệp đã đầu tư hoặc vốn cổ phần của cổ đông. Doanh nghiệp thương mại thường có biên lợi nhuận thấp và doanh nghiệp dịch vụ thường có biên lợi nhuận cao. - Khả năng sinh lợi của một công ty không chỉ phụ thuộc vào biên lợi nhuận, mà còn phụ thuộc vào tốc độ tăng tỷ suất lợi nhuận liên tục của công ty và rất nhiều yếu tố khác. Để có được các thông tin đáng tin cậy về khả năng sinh lợi của một công ty, nên xem xét chỉ số này trong ít nhất 3 – 5 năm. Ngoài ra, cần lưu ý là tăng biên lợi nhuận không đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận.

TỪ KHÓA LIÊN QUAN