tailieunhanh - Sông Lợi Nông và thơ Ngự chế của vua Minh Mạng và Thiệu Trị
Bài viết giới thiệu một số bài thơ viết về sông Lợi Nông trích từ các tập Ngự chế thi của vua Minh Mạng và Thiệu Trị, đây là những tác phẩm chưa được dịch thuật và xuất bản. Ngoài mạch cảm hứng ca ngợi cảnh đẹp của con sông Lợi Nông, các bài thơ này còn bộc lộ rõ tư tưởng cần chính ái dân của các vị vua đầu triều Nguyễn, trong đó tinh thần “mẫn nông” (thương nhà nông) được đặt lên hàng đầu, vì nghề nông là thiết yếu bậc nhất đối với cuộc sống xã hội trong thời đại bấy giờ. | Sông Lợi Nông và thơ Ngự chế của vua Minh Mạng và Thiệu Trị 74 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 6 (149) . 2018 SÔNG LỢI NÔNG VÀ THƠ NGỰ CHẾ CỦA VUA MINH MẠNG VÀ THIỆU TRỊ Lê Nguyễn Lưu* Nguyễn Công Trí** I. Thơ vua Minh Mạng Tác giả những bài thơ đầu tiên về đề tài sông Lợi Nông không ai khác ngoài Hoàng đế Minh Mạng. Vua húy Nguyễn Phúc Đảm, sau khi được lập làm Đông cung hoàng thái tử mới đặt thêm tên Kiểu(1) (Nguyễn Phúc Kiểu, cũng đọc Hiệu hay Hạo), chào đời ngày 23 tháng Tư năm Tân Hợi (25/5/1791) tại lân Tân Lộc, phía hữu thành Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), nơi “nhà cũ của Tống Quốc công phu nhân” (tức vợ của Tống Phúc Khuông, thân mẫu của bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu Tống Thị Lan, vợ chính của vua Gia Long, sinh ra Đông cung hoàng thái tử Cảnh). Chẳng may Đông cung Cảnh mất ngay khi vua Gia Long khôi phục đô thành Phú Xuân. Sau nhiều năm chần chừ, vua Gia Long mới đi đến quyết định sách phong hoàng tử Đảm làm Đông cung, cử hành lễ sách lập tại điện Thái Hòa ngày 11 tháng Sáu năm Bính Tý (5/7/1816). Vua Gia Long băng hà (3/2/1820), Hoàng thái tử Đảm đăng quang, lấy ngày mồng 1 tháng Giêng năm Canh Thìn (14/2/1820) làm Minh Mạng nguyên niên. Sau hai mươi năm tại vị, thực hiện nhiều công trình về mọi mặt, tạo nền móng vững vàng cho triều đại, ông băng hà vào ngày 28 tháng Chạp năm Canh Tý (20/1/1841), táng tại núi Cẩm Kê, ấp An Bằng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, gọi là Hiếu Lăng. Bình sinh, vua Minh Mạng rất thích làm thơ, không nhắm mục đích “lưu danh thiên cổ”, mà để thỏa mãn cái nhu cầu biểu hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Ông không cần nhiều đề tài lắm mà vẫn có rất nhiều thơ. Chẳng hạn, hàng ngày, sau khi họp triều buổi sáng xong, ông thường xuyên ra khỏi Hoàng cung, đến nghỉ tại hồ Tịnh Tâm (ông gọi là Bắc Hồ), và để lại ngót năm chục bài thơ, phần lớn nhan đề chỉ đơn giản là Hạnh Tịnh Tâm Hồ. Chỉ sóng nước, hoa sen, cây cỏ, cùng gió, mây, mưa, nắng mà mãi không chán! Nhà vua viết .
đang nạp các trang xem trước