So sánh với "Bức tranh" để thấy quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu sau 1975

Có thể thấy cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu trước 1975 là cảm hứng anh hùng cách mạng, còn sau năm 1975 là cảm hứng về nhân cách con người, là hành trình khám phá "con người bên trong con người" (Ba-khtin). Theo mạch cảm hứng ấy, năm 1982, Nguyễn Minh Châu viết truyện ngắn Bức tranh. Một người họa sĩ mới đầu từ chối vẽ bức truyền thần anh bộ đội (để anh gửi cho mẹ thay vì tin đồn anh đã hi sinh). Sau đó anh bộ đội được giao nhiệm vụ "thồ" tranh giúp họa sĩ và cứu ông thoát khỏi dòng lũ cuốn hung dữ. Họa sĩ vẽ chân dung người chiến sĩ nhưng lại không đưa đến cho bà mẹ của anh như đã hứa, mà lại gửi đi triển lãm ở nước ngoài, bức tranh được giải thưởng và họa sĩ thành người nổi tiếng. Tình cờ, họa sĩ gặp lại anh chiến sĩ (bây giờ là thợ cắt tóc) và bà mẹ anh chiến sĩ đã bị lòa (vì khóc con quá nhiều), lương tâm người họa sĩ hết sức dằn vặt. Trong cảm hứng tự phán xét, họa sĩ đã vẽ một bức chân dung tự họa nhằm thể hiện "khuôn mặt bên trong của chính mình".

Nếu trong truyện Bức tranh, Nguyễn Minh Châu hướng cái nhìn nghệ thuật vào thế giới nội tâm thì trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu lại hướng cái nhìn nghệ thuật ra thế giới bên ngoài, ra cuộc sống đời thường. Nếu truyện Bức tranh là sự tự nhận thức, tự phê phán của một con người dưới ánh sáng của lương tâm, đạo đức, thì truyện Chiếc thuyền ngoài xa là sự nhận thức và phê phán cái xấu, cái ác trong cuộc sống thường ngày. Cả hai tác phẩm đều được viết dưới sự chỉ đạo của quan điểm nghệ thuật: chỉ ra mặt xấu, mặt tối để góp phần hoàn thiện nhân cách con người, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

BÀI CÙNG NHÓM