Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã thắng lợi vẻ vang, lịch sử dân tộc bước sang một trang mới: độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại dẫn đến những khó khăn về kinh tế, đòi hỏi phải đổi mới để tồn tại và phát triển. Năm 1986, Đảng Cộng sản đã đề xướng và lãnh đạo đất nước từng bước chuyển sang nền kinh tế nước ta sang nền kinh tế thị trường, văn hóa nước ta cũng có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với văn hóa nhiều nước trên thế giới. Văn học dịch, báo chí và các phương tiện truyền thông khác phát triển mạnh mẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của văn học. Đất nước bước vào công cuộc đổi mới đã thúc đẩy nền văn học cũng phải đổi mới để phù hợp với nguyện vọng của nhà văn và người đọc cũng như quy luật phát triển khách quan của nền văn học.
Sau năm 1975 và nhất là từ năm 1986, văn học Việt Nam từng bước đổi mới cùng sự phát triển của đất nước. Đề tài văn học được mở rộng hơn, một số tác phẩm đã phơi bày những mặt tiêu cực trong xã hội hoặc nhìn thẳng vào những tổn thất nặng nề trong chiến tranh, hay bước đầu đề cập đến bi kịch của cá nhân. Đặc biệt, văn học đổi mới mạnh mẽ về ý thức nghệ thuật. Người cầm bút ngày càng thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân và có quan niệm mới mẻ về con người. Họ khao khát đem lại cho nền văn học nước nhà có một tiếng nói riêng, một phong cách riêng.
Thơ ca không đạt được nhiều thành tựu như trước nhưng trường ca được mùa bội thu với những tác phẩm có giá trị cao như Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh,... Khuynh hướng chung của những bản trường ca này là muốn tổng kết, khát quát về chiến tranh thông qua sự trải nghiệm riêng của mỗi nhà thơ trong suốt những năm trực tiếp cầm súng chiến đâu. Sau hiện tưởng nở rộ trường ca, nhiều tập thơ xuất hiện nhưng nhìn chung thì các nhà thơ vẫn viết theo kiểu tư duy cũ. Những tác phẩm được dư luận chú ý không nhiều, có giá trị hơn cả là các tập thơ như Tự hát của Xuân Quỳnh, Ánh trăng của Nguyễn Duy,...
Văn xuôi có nhiều khởi sắc: phóng sự phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự chú ý của người đọc, tiêu biểu là phóng sự của Trần Huy Quang, Gia Lộc,... Truyện ngắn, tiểu thuyết có nhiều tìm tòi và đạt được giá trị nghệ thuật cao như Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường,... Kí cũng phát triển và đạt được những thành tựu mới như bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông ? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, hồi kí Cát bụi chân ai của Tô Hoài,...
Kịch nói cũng phát triển khá mạnh với một số tác phẩm gây được tiếng vang lớn như Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, Mùa hè ở biển của Xuân Trình,...
Lí luận, phê bình văn học cũng có sự đổi mới. Ngoài những cây bút có tên tuổi từ trước thì nay cũng đã xuất hiện một số người viết trẻ có nhiều triển vọng. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học có ý thức tự giác cao hơn trong việc đổi mới phương pháp tiếp cận đối tượng. Giá trị nhân văn, ý nghĩa nhân bản và chức năng thẩm mĩ của văn học được đặc biệt chú ý.
Nhìn chung, mười năm sau năm 1975 là chặng đường chuyển tiếp, trăn trở, tìm kiếm con đường đổi mới. Còn từ năm 1986 đến hết thế kỉ XX là chặng đường văn học đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và khá toàn diện. Văn học Việt Nam từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX đã vận động theo khuynh hướng dân chủ hóa, mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc. Đây là một nhận định rất quan trọng vì nó đã nói lên cái mới của văn học giai đoạn này là tính chất hướng nội, khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận con người, có nhiều tìm tòi đổi mới về nghệ thuật.